A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thảo luận về sửa Hiến pháp: Bảo đảm tính thống nhất, không bỏ sót quyền hạn địa phương

Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa Hiến pháp cần bảo đảm thống nhất pháp luật, giữ nguyên quyền chất vấn, khắc phục bất cập khi tổ chức chính quyền mô hình mới.

Sáng 14/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong chiều 7/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về hai nội dung trên. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến gửi đại biểu Quốc hội.

Sáng 15/5/2025: Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Sáng 14/5/2025, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Theo đó, đã có 109 lượt ý kiến đại biểu góp ý dự thảo sửa Hiến pháp và 132 lượt góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan lấy ý kiến nhân dân qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ và VNeID. Hàng triệu lượt ý kiến nhân dân đã được gửi về.

Qua tổng hợp sơ bộ, tuyệt đại đa số các ý kiến bày tỏ sự thống nhất cao với việc cần thiết, phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến tại Tổ chủ yếu góp ý về câu từ, diễn đạt trong dự thảo. Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đa số đại biểu đồng tình với nội dung dự thảo. Một số ý kiến góp ý trực tiếp về điều, khoản cụ thể. Chính phủ đã có Báo cáo số 420 ngày 13/5, bước đầu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, rõ quan điểm, mỗi đại biểu phát biểu không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu.

Đảm bảo tính thông suốt, thống nhất với Hiến pháp và văn bản Trung ương

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu đánh giá cao hồ sơ dự án và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, đồng thời ủng hộ việc xây dựng, ban hành luật theo trình tự thủ tục rút gọn.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam)
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam). Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Hùng Thắng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền hai cấp, nhất là cấp huyện, để tránh bỏ sót, chồng chéo ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Về đơn vị hành chính tại khoản 1, Điều 1 dự thảo luật, đại biểu đề cập việc bỏ cụm từ "trực thuộc địa phương" sau tên gọi tỉnh, thành phố là chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết 60 ngày 12/4/2025. Đại biểu đề nghị khôi phục cụm từ này để đảm bảo tính thống nhất.

Rà soát quy định về phân quyền, ủy quyền và chi ngân sách địa phương

Góp ý tại khoản 3, Điều 12 về phân quyền, đại biểu Phạm Hùng Thắng thống nhất với việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền. Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định về trách nhiệm xem xét của Chính phủ. Do đó, cần bổ sung quy định Chính phủ có trách nhiệm phản hồi, xử lý đề xuất của địa phương tương tự như khoản 6, Điều 13 về phân cấp.

Về quy định ủy quyền tại Điều 14, đại biểu đề xuất cho phép cơ quan, cá nhân nhận ủy quyền được đề nghị điều chỉnh toàn bộ nội dung của văn bản ủy quyền, bao gồm cả cách thức thực hiện và điều kiện cần thiết để đảm bảo linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ.

Liên quan điểm c, khoản 13, Điều 31 quy định Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định chi ngân sách cho một số nhiệm vụ an sinh, đại biểu đề nghị chỉ cho phép quyết định trong các nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền giữa hai kỳ họp. Các nhiệm vụ chi khác vẫn cần giao Hội đồng nhân dân quyết định nhằm đảm bảo đúng thẩm quyền và thống nhất với Luật Ngân sách đã sửa đổi.

Cân nhắc giữ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với cơ quan tư pháp

Đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) tập trung góp ý về việc thu hẹp quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được nêu tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng)
Đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng)

Đại biểu Nguyễn Kim Thúy không đồng tình với hai lý do mà Ban soạn thảo đưa ra để loại bỏ quyền chất vấn này. Theo đại biểu, dù trong tương lai có hình thành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể thì những cơ quan này vẫn xét xử, khởi tố công dân tại các đơn vị hành chính cụ thể, nơi đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện. Do đó, việc loại bỏ quyền chất vấn là không thuyết phục và thiếu cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Kim Thúy cũng phản bác quan điểm cho rằng Hội đồng nhân dân vẫn giám sát được thông qua các hình thức khác như kiến nghị, bởi vì hình thức chất vấn là công khai, trực tiếp, buộc người bị chất vấn phải trả lời và chịu trách nhiệm. Việc không còn quy định thẩm quyền chất vấn là đi ngược với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vốn yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Kim Thúy nêu ví dụ về 28 vụ bản án, quyết định tuyên không rõ gây khó khăn cho thi hành án tại một tỉnh, trong đó có 11 vụ có kiểm sát viên tham gia xét xử. Nếu đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ có quyền kiến nghị mà không được chất vấn công khai tại kỳ họp thì hiệu lực giám sát sẽ rất hạn chế.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Kim Thúy đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và khu vực, hoặc ít nhất quy định nguyên tắc hiến định làm cơ sở cho luật chuyên ngành quy định phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 194/2025/QH15, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ủy ban) xác định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm có 2 điều.

Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật