Bắc Ninh dự chi hơn 5.500 tỷ đồng làm đường vành đai 4
Tỉnh Bắc Ninh đề xuất chi dự kiến khoảng 2.952 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng đối với phần tuyến vành đai 4 thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh và 2.629 tỷ đồng đầu tư tuyến đường song hành hai bên.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi HĐND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài là 35,3 km, đi qua ba huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.
Trong đó, đoạn tuyến vành đai 4 dài khoảng 25,6 km. Trong giai đoạn này đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.
9,7 km còn lại là tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài khoảng 9,7km. Phân kỳ đầu tư đồng bộ toàn tuyến đảm bảo quy mô 4 làn xe.
Ngoài ra, còn có thêm hạng mục giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch để làm cơ sở quản lý quỹ đất, hạn chế kinh phí đầu tư trong giai đoạn mở rộng theo quy hoạch.
Nội dung đầu tư thuộc trách nhiệm của tỉnh Bắc Ninh đối với đoạn qua địa bàn tỉnh gồm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với phần tuyến thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh (dự án thành phần 1) và đầu tư tuyến đường song hành hai bên theo quy mô của dự án được phê duyệt (dự án thành phần 2).
Tổng vốn đầu tư của tỉnh Bắc Ninh dự kiến khoảng 5.581 tỷ đồng, gồm 2.952 tỷ đồng cho dự án thành phần 1 và 2.629 tỷ đồng cho dự án thành phần 2.
Theo đề xuất của tỉnh Bắc Ninh, 2.509 tỷ đồng là từ ngân sách trung hương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng. Còn lại 3.072 tỷ đồng sẽ được chi từ ngân sách địa phương.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2022 đến 2027. Trong đó, giai đoạn trung hạn 2021-2021, Bắc Ninh đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ cho tỉnh Bắc Ninh vay lại hoặc nhận nợ 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 sẽ chi 1.072 tỷ đồng, đảm bảo số vốn chuyển tiếp giữa hai kỳ trung hạn.
Ngày 14/2 vừa qua, tổ công tác triển khai thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đã tổ chức hội thảo tham gia ý kiến với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Theo báo cáo của Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km.
Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc.
Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.
Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Tuyến đường sẽ có ba cầu vượt vượt sông, gồm hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà (dài 5.023 m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674 m); một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990 m).