Bảo đảm an toàn vận tải hành khách đường thủy nội địa
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường bảo đảm an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung và hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo nói riêng, đặc biệt ngăn ngừa không để xảy ra tai nạn giao thông tương tự vụ tai nạn trên tuyến Hội An – Cù Lao Chàm.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ đưa các nạn nhân trong vụ chìm cano tại Hội An vào bờ.
Xét báo cáo của Bộ Công an và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa ngày 26/2/2022 trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, tại Công văn số số 1439/VPCP-CN ngày 7/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa trong tình hình mới;
Chỉ đạo các chủ công trình tổ chức quan trắc chuyên dùng trong giao thông vận tải và cung cấp thông tin khí tượng thủy văn theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn và Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn, Nghị định số 48/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; kiên quyết không cho các phương tiện xuất bến khi phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc điều kiện thời tiết không bảo đảm; gắn trách nhiệm của cảng vụ nếu xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phương tiện thủy không bảo đảm an toàn, chở quá số người hoặc điều kiện thời tiết không bảo đảm khi xuất bến.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, Ban tổ chức Lễ hội Xuân tăng cường kiểm tra hoạt động tại các bến khách ngang sông, bến hành khách, đặc biệt là các bến tàu, phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội; chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện, thuyền viên và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo trên toàn quốc; xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các bất cập và sai phạm.
Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến bảo đảm an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, thuyền viên và tổ chức vận tải đối với hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách bằng phương tiện sông, biển trên các tuyến từ bờ ra đảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn và hệ thống dự báo khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa phương tăng tần suất bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; tăng cường dự báo và cảnh báo chuyên đề phục vụ hoạt động giao thông vận tải tại các địa phương có hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo và hướng dẫn việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi cả nước.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng (Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Thanh tra giao thông vận tải) tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa.
Trong đó, tập trung kiểm tra ngay tại các cảng, bến thủy có tổ chức hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách từ bờ ra đảo, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cảng, bến cảng, bến kinh doanh vận tải khách du lịch không phép, để phương tiện không đủ điều kiện khai thác vận tải, không bảo đảm an toàn hoạt động trong phạm vi cảng, bến. Rà soát toàn bộ các lễ hội liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy; lập và triển khai kế hoạch bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa tại các khu vực diễn ra lễ hội có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy. Công bố số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát đường thủy tại các cảng, bến và trên các phương tiện thủy vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân...
Đối với các địa phương có tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo: Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn trên địa bàn kịp thời cung cấp thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện vận tải, tàu cá, phương tiện dân sinh hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách.