A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần cơ chế, chế tài để thực hiện nghiêm túc

Tại phiên họp xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần cơ chế, chế tài để thực hiện nghiêm túc, không để tình trạng báo cáo qua loa, sơ sài hoặc không báo cáo.

Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Nội dung báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế chỉ nêu nhận định chung chung, không cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát...

thuc hanh tiet kiem chong lang phi can co che che tai de thuc hien nghiem tuc
Nhiều công trình xây dựng chậm đưa vào sử dụng, thậm chí bị bỏ hoang gây lãng phí lớn

Đoàn giám sát cũng cho biết, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác THTKCLP trong thời gian qua đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước trong giai đoạn 2016-2021. Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), công tác quản lý, điều hành NSNN trong giai đoạn 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN chưa thật sự bền vững; cơ cấu lại chi NSNN chưa đạt yêu cầu đề ra; vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm trong công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN (bao gồm kế hoạch đầu tư công) hằng năm và 5 năm.

Đối với quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác, Đoàn giám sát thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác còn nhiều tồn tại, hạn chế tất cả các khâu từ lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đến tổ chức triển khai thực hiện... dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác chưa hiệu quả, một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước.

Đoàn giám sát cũng cho biết, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, như: số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương; việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, tiến độ còn rất chậm. Năng lực khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, công nghệ chậm được đổi mới. Việc phối hợp giữa các chủ thể quản lý tài nguyên khoáng sản chưa tốt, còn hiện tượng cát cứ và thiếu đồng bộ, liên thông giữa các vùng, miền, địa phương, làm giảm hiệu quả khai thác tài nguyên. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, nguồn nước ngầm quá mức gây lãng phí và hủy hoại môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng kho số điện thoại, tài nguyên Internet, băng tần, kho biển số xe ô tô, xe máy chưa đạt được hiệu quả đề ra…

Thảo luận về vấn đề này, Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát, đồng thời cho biết, đây là nội dung được dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ việc Quốc hội đã có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương là phải có báo cáo nhưng đến ngày 23/3 vẫn còn 32 bộ, ngành, 10 HĐND cấp tỉnh chưa nộp báo cáo về vấn đề này.

“Chúng ta lập lại kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Đoàn giám sát cần thể hiện tính chủ động, khả thi trong xây dựng kế hoạch giám sát, đôn đốc đảm bảo tiến độ của đoàn giám sát. Những nơi nào không đảm bảo tiến độ, không báo cáo thì phải có biện pháp xử lý để đảm bảo tính kỷ cương, nghiêm khắc. Cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đã có báo cáo mà báo cáo chưa đạt yêu cầu, Đoàn cũng yêu cầu bổ sung làm rõ vấn đề mà đoàn quan tâm chứ không phải là báo cáo cho có”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, giai đoạn 2016-2021, ngành Thanh tra đã triển khai thanh tra, kiểm tra THTKCLP, phát hiện vi phạm với “con số rất lớn”. Qua đó, cũng nhận diện các hành vi vi phạm như thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn chưa đúng quy định; chi sai chế độ, vượt chế độ, trùng lặp, không đúng mục đích, không đúng dự toán được giao… Hay trong đầu tư xây dựng có vi phạm như không thực hiện đúng quy định, quy chế, quy trình đấu thầu, cũng như không có báo cáo đánh giá các dự án đầu tư hoặc thẩm định dự toán sai so với thiết kế… dẫn đến giao thầu, hợp đồng thi công, nghiệm thu, quyết toán sai.

Tổng hợp những tồn tại, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhận thức về THTKCLP của một số bộ, ngành, cán bộ, công chức còn hạn chế. Việc xây dựng Chương trình kế hoạch công tác THTKCLP tại một số cơ quan đơn vị, địa phương vẫn hình thức, chưa sát với thực tế, yêu cầu. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị địa phương chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định THTKCLP.

Ông đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh xử lý sau thanh tra, nhất là thu hồi tài sản bị thất thoát; nghiêm túc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về THTKCLP; đồng thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực hiện, thực thi nhiệm vụ công vụ và đề cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong quản lý nhà nước. Qua đó, ông cũng kiến nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát với công tác THTKCLP thông qua báo cáo chi tiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị nội dung giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, nên tập trung vào lĩnh vực công nhiều hơn. THTKCLP đều có vai trò quan trọng như nhau nhưng rõ ràng lãng phí thì phải chống bởi vì hậu quả của nó để lại rất lớn. Còn ý thức tiết kiệm phải trở thành một chính sách, là nhận thức có tính chất nhà nước và đi vào tất cả các lĩnh vực. “Báo cáo giám sát cần nêu tình hình vi phạm ở một số dự án, công trình, vụ việc cụ thể, có tính trọng điểm… để từ đó cảnh tỉnh, răn đe, cảnh báo toàn xã hội, tránh tình trạng nói chung chung sẽ không có hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật