Cần giải pháp lâu dài nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi THAHC trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và mang tính chiến lược lâu dài, trong đó cần tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế.
Theo dõi 100% bản án, quyết định hành chính
Công tác theo dõi THAHC mặc dù còn nhiều khó khăn do tính chất nhạy cảm, phức tạp của hoạt động THAHC, song hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm trách nhiệm theo dõi THAHC, thể hiện ở việc các cơ quan THADS đã bảo đảm theo dõi được 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án.
Năm vừa qua, Tổng cục THADS đã tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đưa chỉ tiêu về THAHC là một trong những chỉ tiêu thống kê quốc gia. Theo đó, tại Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV đã quy định kết quả THAHC là một trong những chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đồng thời, Tổng cục THADS đã tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Thông tư liên tịch về hướng dẫn phối hợp thống kê THADS, theo dõi THAHC
Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản gửi Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đề nghị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này nhất là những bản án không có khó khăn, vướng mắc, có thể tổ chức thi hành ngay. Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp nghe báo cáo để có chỉ đạo tháo gỡ, từ đó công tác THAHC ở nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều tỉnh, thành phố đã phân công đầu mối giúp UBND quản lý công tác THAHC để đưa công tác quản lý THAHC ở các địa phương ngày càng đi vào nề nếp.
Ngoài ra, để đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Tổng cục THADS đã tham mưu Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP trên phạm vi cả nước, đối tượng thực hiện việc sơ kết là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan phối hợp thực hiện là Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kết quả sơ kết là cơ sở quan trọng để Tổng cục THADS tham mưu Bộ Tư pháp báo cáo, đề xuất Chính phủ định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về THAHC trong thời gian tiếp theo.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục THAHC đối với bản án có nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và trách nhiệm theo dõi của các cơ quan THADS, Tổng cục THADS đã tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất về phạm vi bản án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi THAHC của các cơ quan THADS. Theo đó, các cơ quan THADS chỉ theo dõi đối với bản án hành chính có quyết định buộc THAHC theo quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục THADS đã có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn Hệ thống THADS, đồng thời chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện đúng, đủ và hiệu quả trách nhiệm theo dõi THAHC theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Ở các địa phương, quán triệt Chỉ thị 26/CT-TTg và các văn bản kiến nghị của Bộ Tư pháp, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục có văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác THAHC trên địa bàn, một số nơi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã có Chỉ thị về công tác THAHC. Nhiều lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp thực hiện việc đôn đốc, chỉ đạo đối với từng bản án hành chính chưa thi hành trên địa bàn.
Có thể thấy năm 2021, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục THADS đã chủ động, kịp thời phối hợp, tham mưu phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả hoạt động tham mưu quản lý nhà nước về công tác THAHC, từ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc, xử lý đơn thư, kiến nghị, phản ánh đến công tác thống kê, báo cáo về công tác THAHC. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về kết quả THAHC với 455 bản án hành chính được thi hành xong (tăng 92 bản án so với năm 2020) cũng như tăng cường vai trò của các cơ quan THADS trong công tác THAHC, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THAHC, theo dõi THAHC trên phạm vi cả nước.
Thông qua công tác theo dõi THAHC, Hệ thống các cơ quan THADS đã góp phần nâng cao tỷ lệ bản án, quyết định đã thi hành xong lên hàng năm, kịp thời cung cấp thực trạng THAHC của Chủ tịch UBND, UBND tỉnh nói riêng và của hệ thống hành chính nhà nước nói chung phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác THAHC của Chính phủ và của Bộ Tư pháp.
Tháo gỡ vướng mắc về thể chế
Tuy công tác THAHC, theo dõi THAHC ngày càng có sự chuyển biến và đi vào thực chất, song, các cơ quan THADS vẫn gặp phải những vướng mắc nhất định xuất phát từ mặt thể chế. Cụ thể, cơ chế THAHC theo Luật TTHC năm 2010 đến Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là cơ chế tự thi hành, do đó, đối với những trường hợp bản án, quyết định bị chậm hoặc không được tổ chức thi hành vẫn chưa có những cơ chế cụ thể, mạnh mẽ để buộc người phải thi hành án tổ chức thi hành.
Thể chế pháp luật về THAHC đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho công tác THAHC, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh những vấn đề chưa được quy định rõ, còn nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan, thậm chí là các cơ quan ở Trung ương, điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện theo dõi THAHC của các cơ quan THADS.
THAHC là lĩnh vực rất phức tạp, đặc biệt là khi việc THAHC liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các quyết định giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại về đất đai để thi hành dứt điểm đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thủ tục với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị do pháp luật quản lý hành chính chuyên ngành quy định dẫn đến quá trình THAHC thường bị kéo dài.
Mặt khác, lĩnh vực THAHC cũng rất nhạy cảm, dễ tạo tâm lý nể nang giữa các cơ quan theo dõi THAHC và cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là người phải THAHC. Theo quy định của Luật TTHC năm 2015, cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi THAHC đối với người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND. Trong khi đó, Hệ thống THADS là hệ thống cơ quan thuộc Trung ương đặt tại địa phương, chịu sự lãnh đạo về công tác Đảng ở địa phương và các quan hệ phối hợp, phụ thuộc khác với cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động THADS dẫn đến thực trạng không ít các cơ quan THADS, Chấp hành viên chưa quyết liệt trong việc có các văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án.
Ngoài ra, một số bản án hành chính của Tòa án có nội dung tuyên chung chung, chưa rõ ràng, không cụ thể, thiếu tính thuyết phục và không khả thi trên thực tế. Điều này, vừa gây lúng túng cho người phải THAHC trong việc tổ chức thi hành bản án, vừa gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc theo dõi THAHC, Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc THAHC.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác THAHC trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Tổng cục THADS cần tiếp tục tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ có các giải pháp tổng thể, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả công tác THAHC nói chung và công tác theo dõi THAHC nói riêng. Trong đó tập trung hoàn thiện hơn nữa về thể chế THAHC, theo dõi THAHC và triển khai, tổ chức thi hành nghiêm túc các quy định của pháp luật THAHC và theo dõi THAHC như Luật TTHC năm 2015; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019. Tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong công tác THAHC, theo dõi THAC.
Nghiên cứu hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện cũng như triển khai tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về THAHC. Theo đó, trên cơ sở kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Tổng cục THADS tham mưu Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất định hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về THAHC. Phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê liên quan đến nội dung kết quả THAHC tại danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu thống kê về THAHC và theo dõi THAHC tại Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 về thống kê THADS.
Cùng với đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác THAHC; tiếp tục đôn đốc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả THAHC trên địa bàn.