Cảnh giác với chiêu “chạy trường, chạy việc”
Với mong muốn có được công việc trong các cơ quan Nhà nước hoặc có suất vào học các trường “hot”, nhiều người đã mạnh tay chi tiêu để chạy trường chạy việc nhưng cuối cùng “xôi hỏng bỏng không”…
Tiền tỷ chạy việc vẫn không được việc
Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo chạy trường, chạy việc vào các ngành giáo dục, các cơ quan hành chính nhà nước và lực lượng vũ trang. Nhiều vụ việc, các đối tượng câu kết với nhau để thiết dây lừa đảo chuyên nghiệp như mạo danh quan hệ với các lãnh đạo nhà nước…
Đơn cử, TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử đối với Lê Minh Hương (SN 1963, ở quận Ba Đình) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977, ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn chạy việc.
Bị cáo Hương đã giới thiệu với nhiều người rằng họ có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin việc vào các ngành hàng không, giáo dục, y tế trên địa bàn Hà Nội. Tin tưởng nên ông Lê Đình H. (SN 1960, ở quận Hà Đông) bị cáo Hương xin việc cho 3 người quen và con trai, con dâu. Ông H. đã nhiều lần đưa tiền và đưa nhiều hồ sơ cho Hương để nhờ xin làm giáo viên, xin việc vào Bệnh viện Huyết học và truyền máu trung ương, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, bộ phận an ninh hàng không của sân bay quốc tế Nội Bài…
Hương cam kết sẽ lo xong việc, nếu không lo được việc sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật và hứa hẹn sẽ hoàn lại tiền trong 10 ngày. Nhưng thực tế, bị cáo này không thực hiện được lời hứa, cũng không trả lại tiền. Tại cơ quan điều tra, bị cáo thừa nhận chiếm đoạt 2 tỷ đồng của ông H.
Chưa hết, Hương còn chiếm đoạt tiền của bà Trần Thị Vân T. (SN 1959, ở quận Hoàng Mai) khi bà T. nhờ xin việc cho người thân vào làm việc tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Nhận 250 triệu đồng đặt cọc nhưng Hương không thực hiện được mà nhờ Nguyễn Thanh Tùng để lo việc. Người thân của bà V. không trúng tuyển vào làm tiếp viên hàng không, Tùng và Hương cầm tiền song không trả lại bà T.
Hay một trường hợp khác, Phí Thị Phương Mai (SN 1972, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã bị Tòa án xử phạt 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn chạy việc, chạy trường. Bị cáo đã chiếm đoạt số tiền hơn 4,2 tỷ đồng của nhiều người.
Bị cáo Mai mở quán “cà phê Nhân” gần cổng trường Học viện Cảnh sát nhân dân. Mặc dù không có khả năng chạy biên chạy, xin việc làm trong Bệnh viện Quân y 103 nhưng từ năm 2016-2017, Mai đưa ra các thông tin gian dối, tự giới thiệu bản thân quen biết lãnh đạo ngành công an, có thể xin cho người khác trúng tuyển vào học viện, đỗ biên chế và công tác trong ngành công an, quân đội. Có 6 người đã tin tưởng, đưa tiền nhưng Mai không thực hiện cam kết.
Trong vụ án khác, Trần Thị Thanh (SN 1981) chỉ là lao động tự do, mở shop quần áo tại thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Khi bị cáo nói có nhiều mối quan hệ, có quen biết người tên Phương - Trưởng phòng tổ chức nhân sự của CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty xăng dầu Skypec (thuộc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài). Có 3 người đã đưa cho Thanh gần 900 triệu đồng song lời hứa của Thanh cũng “mất hút”. Quá trình điều tra, cơ quan công an lần theo lời khai của Thanh nhưng không có nhân sự nào như Thanh mô tả.
Giao dịch vi phạm điều cấm
Trên thực tế, những vụ việc lừa đảo chạy việc, chạy trường thời gian qua có điểm chung là các đối tượng thường “nổ” có nhiều mối quan hệ song thực chất là không có khả năng thực hiện hoặc dựa dẫm vào một số mối quan hệ xã hội nhưng khi giao tiền thì không có giấy biên nhận, hoặc viết giấy biên nhận vay tiền. Trong nhiều vụ việc cũng cho thấy, các đối tượng thường đưa ra các “bằng chứng” giả y như thật khiến nạn nhân mất cảnh giác, tiếp tục đưa số tiền nhiều hơn.
Giao dịch chạy việc, chạy trường là giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội và bị vô hiệu. Do đây là giao dịch vi phạm điều cấm nên khi giao nhận tiền các bên né tránh viết giấy vay nợ thay vì thể hiện đúng nội dung giao dịch. Khi vụ án xảy ra, các đối tượng không có khả năng trả lại tiền hoặc cố tình chiếm đoạt tiền.
Một chuyên gia pháp lý cho rằng người dân nên nhìn nhận thực tế là các đối tượng này không có chức năng tuyển sinh, tuyển dụng và phải cẩn trọng, đừng vì ham việc, ham trường mà giao tiền cho các đối tượng lừa đảo. Người dân cần tìm hiểu kỹ càng quy trình nộp hồ sơ, thi tuyển, tìm hiểu đơn vị tuyển dụng có chỉ tiêu, có tư cách pháp nhân không… Theo chuyên gia này, bị hại cũng có một phần lỗi vì họ tự nguyện đưa tiền với mong muốn được chuyển công việc với vị trí tốt hơn hoặc cho con vào học trường tốt nhưng con không có năng lực.