A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc phục những vướng mắc của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm

Bộ Tư pháp đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm, thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm hiện hành.

Khắc phục những vướng mắc của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm

Phải là “bảo chứng” của sự an toàn, minh bạch về tài sản, giao dịch

Theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng Nghị định để tập trung tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ chính quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017, như chưa bao quát được hết hiệu quả, hiệu lực của việc đăng ký; từ chối đăng ký; thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; thông tin trên phiếu yêu cầu đăng ký; ngôn ngữ sử dụng, chữ ký, con dấu trong đăng ký; trả kết quả đăng ký; đăng ký thay đổi, xóa đăng ký; việc tách bạch giữa xóa đăng ký với hủy đăng ký do hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu; cơ chế chỉnh lý thông tin có sai sót; phương thức thanh toán phí đăng ký; nộp hồ sơ đăng ký trên môi trường điện tử; trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước ta trong thời gian qua cho thấy, trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được thì một yêu cầu khách quan đặt ra cần được giải quyết là thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm, hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm phải được đổi mới hơn, hoàn thiện hơn để thực sự là công cụ pháp lý, bảo chứng của sự an toàn, minh bạch về tài sản, giao dịch. Người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn với chi phí thấp để phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, giúp chủ thể tài trợ vốn an tâm hơn khi cung ứng vốn cho thị trường một cách an toàn, ổn định. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có được bằng chứng pháp lý chính xác, thuận tiện về biện pháp bảo đảm trong thực hiện quản lý nhà nước hoặc khi giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật; góp phần cải thiện chỉ số hợp đồng về năng lực cạnh tranh ở Việt Nam.

Trên cơ sở này, dự thảo Nghị định quy định thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, đăng ký khác liên quan đến tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Chẳng hạn, về nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin, trao đổi thông tin, dự thảo nêu rõ, thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, về thỏa thuận, cam kết đã được đăng ký được cung cấp theo yêu cầu, được trao đổi theo quy định của pháp luật; tài sản, thỏa thuận, cam kết sau khi được đăng ký phải được công khai thông tin về việc đã được cơ quan đăng ký thực hiện đăng ký theo quy định. Trung thực trong kê khai, cung cấp, trao đổi thông tin; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin được kê khai, được cung cấp, được trao đổi…

Dự thảo cũng quy định hiệu lực của đăng ký. Thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

Trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất theo quy định, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được tính từ thời điểm đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất…

Tích cực góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định

Bên cạnh ghi nhận những điểm mới, tích cực của dự thảo Nghị định, quá trình hoàn thiện dự thảo đã nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu liên quan đến các quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; các quy định về đăng ký khác, vấn đề ủy quyền, con dấu, chữ ký…

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với hồ sơ đăng ký, hồ sơ cung cấp thông tin giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, nghĩa là các giấy tờ, tài liệu này đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận có giá trị tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp lệ của hồ sơ. Có ý kiến thì đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc hướng dẫn cho người yêu cầu đăng ký hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật; đề nghị bổ sung các quy định về phương thức nộp hồ sơ đăng ký qua dịch vụ bưu chính, bưu chính công ích hoặc viện dẫn văn bản quy định phương thức nộp hồ sơ theo hình thức này...

Đại diện VietinBank, đại diện Vietcombank và nhiều tổ chức tín dụng khác đề nghị không nên quy định phải đăng ký thay đổi khi có sự thay đổi về căn cước công dân, chứng minh thư của bên bảo đảm. Pháp luật hiện tại đã quy định nguyên tắc thông tin trên chứng minh thư vẫn có giá trị pháp lý. Nếu buộc phải thay đổi sẽ làm khó cho hệ thống ngân hàng bởi phải đăng ký thay đổi hàng loạt giao dịch.

Phó Cục trưởng Cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Thị Thịnh cho rằng, dự thảo Nghị định cần giữ lại các quy định đã đi vào thực thi ổn định, không vướng mắc của Nghị định 102 và bổ sung thêm những nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển. “Chúng ta phải xem xét đến nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành không thể chỉ căn cứ vào Bộ luật dân sự nhằm hạn chế nguy cơ hợp đồng bị vô hiệu khi có tranh chấp, phải ra tòa”, bà Thịnh nhấn mạnh./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan