Lỗ hổng quản lý tạo cơ hội cho thực phẩm chức năng giả lộng hành
Thực phẩm chức năng giả bủa vây người tiêu dùng, gây lo ngại về sức khỏe. Những lỗ hổng trong quản lý, khiến tình trạng này ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
Thực phẩm bổ sung sức khỏe Baby Shark bị xác định là hàng giả. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm cung cấp
Thực phẩm chức năng giả bủa vây
Mới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an tiếp tục khởi tố thêm một vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có quy mô rất lớn khi số lượng thực phẩm chức năng thu giữ lên tới trên 100 tấn.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định các đối tượng đã làm giả hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhắm vào nhóm người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Dưới danh nghĩa công ty hợp pháp, chúng công bố nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, nhưng thực tế, phần lớn nguyên liệu được nhập lậu từ Trung Quốc.
Để tạo vỏ bọc hợp pháp, các đối tượng lập ra một chuỗi gồm 6 công ty: Từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, phân phối đến bao bì. Nhờ đó, chúng dễ dàng đưa thực phẩm chức năng giả phân phối rộng khắp cả nước.
Thủ đoạn tiếp thị của đường dây này cũng rất bài bản. Các đối tượng trực tiếp tiếp cận trình dược viên, nhà thuốc và công ty dược ở các tỉnh để chào mời sản phẩm.
Khúc Minh Vũ - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Liên doanh Việt - Đức - khai nhận: “Quá trình thực hiện trong nhiều năm để có được một hệ thống như bây giờ”.
Bộ Công an cũng vừa xác định hai sản phẩm BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2 của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (Sóc Sơn, Hà Nội) là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Công ty này do Phạm Vũ Khiêm làm giám đốc, đã sản xuất hơn 200 sản phẩm với giá trị hàng trăm tỉ đồng, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả để hợp thức hóa chất lượng.
Sản phẩm được quảng cáo nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ nhưng thực tế sai lệch. Khiêm khai nhận đã sửa kết quả kiểm nghiệm từ không đạt thành đạt. Nhóm này còn câu kết với các đơn vị xét nghiệm để làm giả hoặc chỉnh sửa phiếu kết quả.
Khó quản lý thực phẩm chức năng
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, khoảng 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh trên mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… gây bức xúc hiện nay là trá hình thực phẩm chức năng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, năm 2024 đã thanh tra 66 cơ sở thực phẩm chức năng, xử phạt 21 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 12,2 tỉ đồng. Vi phạm chủ yếu là quảng cáo sai sự thật, nhãn mác, chất lượng không đạt chuẩn, công bố sản phẩm sai quy định. Một số vụ nghiêm trọng đã được chuyển cơ quan công an xử lý.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm TS Trần Việt Nga cho rằng, vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng là vấn đề nhức nhối. Tình trạng thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là qua mạng xã hội xuyên biên giới, gây khó kiểm soát và xử lý. Nhiều cơ sở chưa đăng ký, chưa công bố sản phẩm nhưng vẫn quảng cáo, phân phối, làm mất niềm tin người tiêu dùng.
Các vụ thực phẩm chức năng giả bị phát hiện đều cho thấy doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở từ cơ chế tự công bố chất lượng để đưa sản phẩm kém chất lượng, giả mạo ra thị trường, gây rủi ro nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, chỉ cần kiểm nghiệm đủ chỉ tiêu an toàn là được phép tự công bố sản phẩm, bất kể chất lượng thực tế. Sau 7 năm, cơ chế này bộc lộ nhiều lỗ hổng, khiến sản phẩm kém chất lượng lưu hành tràn lan, gây khó khăn cho hậu kiểm. Một số doanh nghiệp lợi dụng để công bố sai hoặc không gửi hồ sơ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
TS Trần Việt Nga thừa nhận hậu kiểm còn hạn chế do thiếu nhân lực, thiết bị, kinh phí, trong khi số lượng sản phẩm ngày càng tăng và đa dạng.
Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cần bắt buộc doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm phương pháp kiểm nghiệm để phân biệt đơn vị làm thật và làm giả. Ông đề xuất sửa Nghị định 15 theo hướng: Dù tự công bố, doanh nghiệp cũng phải nộp phương pháp kiểm nghiệm để kiểm tra định kỳ và phát hiện vi phạm. Trong khi chờ sửa nghị định, ông kiến nghị điều chỉnh ngay thông tư hướng dẫn nhằm siết chặt quản lý, ngăn chặn sản phẩm giả và bảo vệ sức khỏe người dân.