Loạt vi phạm trong phòng cháy, chữa cháy được tăng mức phạt tiền từ tháng 7.2025
Một số hành vi có tính chất nghiêm trọng và có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy nổ được nâng mức phạt tiền tối đa cao hơn so với trước.
Khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh ở Hà Nội. Ảnh: Đức Tuấn
Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định chi tiết xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
So với quy định trước, Nghị định 106 đã nâng mức xử phạt tiền tối đa đối với một số hành vi nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ hoặc không bảo đảm điều kiện để phát hiện, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra, dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.
Một số mức phạt được điều chỉnh, như sau:
Vi phạm trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt (Điều 11) có thể bị phạt tối đa 25 triệu đồng (trước đây là 15 triệu đồng).
Vi phạm trong trang bị, lắp đặt, sử dụng, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH (Điều 20, 22) có thể bị phạt tối đa 50 triệu đồng (trước đây là 25 triệu đồng).
Vi phạm trong việc thành lập, duy trì Đội PCCC và CNCH cơ sở, chuyên ngành (Điều 8) có thể bị phạt tối đa 30 triệu đồng (trước đây là 15 triệu đồng).
Vi phạm liên quan đến lối thoát nạn (Điều 24) có thể bị phạt tối đa 50 triệu đồng (trước đây là 25 triệu đồng).
Hành vi không tự kiểm tra an toàn PCCC cũng bị nâng mức phạt lên tối đa 20 triệu đồng (trước đây là 5 triệu đồng).
Đối với các hành vi không trực tiếp là nguyên nhân gây ra cháy, nổ, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định chỉ nâng nhẹ mức phạt tiền tại các hành vi này.
Theo cơ quan soạn thảo, việc nâng mức phạt nhằm tăng cường hiệu lực pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Qua đó, góp phần giảm thiểu vi phạm, ngăn ngừa cháy nổ, bảo đảm an toàn về người và tài sản, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.