A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông hộ sản xuất cà phê và khả năng đáp ứng EUDR

Có đến 90% sản lượng cà phê của Việt Nam là để xuất khẩu, khoảng 95% lượng cung cà phê hiện nay là từ nông hộ. Khả năng đáp ứng của các nông hộ về Quy định chống mất rừng (EUDR) của châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay cần sự chung tay của nhiều bên liên quan.

Nông hộ - “Mắt xích” quan trọng

Cuối năm 2023 Liên minh châu Âu (EU) ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR) trong đó yêu cầu 7 mặt hàng, trong đó có cà phê khi nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo hợp pháp, không gây mất rừng và các hoạt động trong chuỗi cung cần cho phép việc truy xuất tới tận lô đất canh tác. EUDR chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2025.

Đáp ứng các yêu cầu của EUDR có vai trò sống còn với ngành cà phê Việt Nam khi có khoảng 95% lượng cung cà phê hiện nay là từ nông hộ.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện 90% sản lượng cà phê của Việt Nam là để xuất khẩu với kim ngạch 5-6 tỷ USD mỗi năm trong 3 năm gần đây. Thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là EU chiếm 40% cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

anh1.jpg

Nông hộ có vai trò quan trọng nhất trong khâu sản xuất cà phê hiện nay của Việt Nam khi có trên 95% trong tổng lượng cung cà phê nguyên liệu đầu vào của ngành cà phê Việt Nam có nguồn gốc từ nông hộ (10% còn lại là các công ty cà phê của nhà nước và một số công ty tư nhân).

Hiện có khoảng 600 nghìn hộ tham gia khâu sản xuất với diện tích canh tác của hộ chiếm 95% trong 720 nghìn ha là tổng diện tích cà phê của ngành. Hầu hết diện tích cà phê hiện tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên, là địa bàn canh tác cà phê truyền thống.

96% các lô đất hộ đang trồng cà phê được canh tác ổn định

Một khảo sát mới công bố của Forest Trends và Vifcofa thực hiện với 95 hộ dân tại 5 tỉnh Tây Nguyên và Sơn La cho thấy nguồn thu từ cà phê có vai trò quan trọng nhất, chiếm 78,8% trong tổng tất cả nguồn thu của hộ, tương đương 590 triệu đồng/hộ/năm.

Nhìn chung, đất trồng cà phê của các hộ tương đối nhỏ và phân tán. Bình quân mỗi hộ có 1,3 ha đất trồng cà phê. Khoảng 34% số hộ khảo sát có diện tích dưới 1 ha/hộ, bình quân mỗi hộ có 1,9 lô đất hiện đang canh tác cà phê. Trong số này, gần 50% số hộ chỉ có 1 lô đất, 40% số hộ có 2-3 lô đất và 9% số hộ có 4-5 lô đất canh tác.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, 96% các lô đất hộ đang trồng cà phê được các hộ canh tác trước năm 2020, 26% số lô đất hộ đang trồng cà phê được canh tác trước năm 2000.

Khoảng cách từ lô đất sản xuất tới bìa rừng là một trong những tiêu chí đánh giá rủi ro trong sản xuất cà phê và mất rừng. Khoảng 10% số lô đất hộ đang trồng cà phê có khoảng cách tới rừng dưới 300 m và được coi là rủi ro cao về mất rừng. 86% lô đất khảo sát có mức rủi ro thấp (khoảng cách từ lô đất tới rừng trên 500 m) và 4% có rủi ro trung bình (khoảng cách từ 300 tới 500 m). Tuy nhiên, hầu hết các lô đất được coi là rủi ro cao đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends, thành viên Nhóm Công tác EUDR, đây là cơ sở đảm bảo hộ là chủ thể canh tác hợp pháp trên lô đất. Điều này làm giảm tính rủi ro về mất rừng trong sử dụng đất.

Một thuận lợi nữa là có 38,8% số lô đất hiện đang trồng cà phê của hộ đang được sử dụng để canh tác cà phê bền vững.

Theo nhận xét của nhóm khảo sát, nhìn chung, các hoạt động thu hái và bán sản phẩm đầu ra của hộ hiện nay gây khó khăn cho thực hiện các hoạt động truy xuất. Nhiều hộ không có các hoạt động phân tách sản phẩm từ các lô đất khác nhau và từ các lần bán sản phẩm đầu ra khác nhau. Khoảng 53,8% số hộ không thực hiện việc ghi chép trong khâu thu hái sản phẩm. Các hộ còn lại (46,2%) có thực hiện ghi chép, tuy nhiên ghi chép chung cho tất cả các lô đất mà không tách riêng các lô.

Cần sự chung tay

EUDR đòi hỏi các bên tham gia chuỗi tuân thủ với toàn bộ yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Tại khâu nông hộ, điều này có nghĩa rằng hộ sản xuất cà phê cần đáp ứng toàn bộ các yêu cầu pháp lý trong sử dụng đất.

Từ kết quả của khảo sát 95 hộ tham gia sản xuất cho thấy, toàn bộ các lô đất trồng cà phê của hộ là đất được sử dụng đã được tương đối lâu (10-20 năm), khoảng 70% số hộ đã có giấy CNQSDĐ (sổ đỏ). Rủi ro trong việc hộ canh tác trên các diện tích rừng chuyển đổi tính từ thời điểm 31/12/2020 không tồn tại.

Theo chuyên gia Forest Trends Tô Xuân Phúc, đây là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo tính hợp pháp của hộ trong việc sử dụng đất. Tuy nhiên, theo EUDR hộ cần cung cấp thông tin và bằng chứng về vị trí địa lý lô đất sản xuất.

Đại diện Vicofa, ông Bạch Thanh Tuân cho rằng trên sổ đỏ không thể hiện vị trí địa lý của lô đất hộ đang canh tác.

“Không khó để thu thập nếu hộ sử dụng điện thoại thông minh có định vị và được hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên một số thiếu các điều kiện này. Hiện một số tổ chức và công ty đang hỗ trợ hộ thu thập thông tin về tọa độ địa lý của lô đất sản xuất…”- ông Toàn cho hay.

Theo đại diện IDH (Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững), “tử huyệt” là 95% các phê đến từ nông hộ và khó khăn lớn nhất từ truy xuất nguồn gốc. “Chúng tôi có tổ kỹ thuật đang nghiên cứu mô hình truy xuất. Hầu hết các công ty xuất khẩu có hệ thống truy xuất, tuy nhiên vướng hiện nay là các khâu trung gian các đại lý thu mua từ các hộ dân. Làm sao đại lý mua hàng của hộ dân ghi nhận được hàng này được thu mua từ mảnh vườn nào?”- Đại diện IDH chia sẻ.

Đồng thời cho biết đơn vị đang xây dựng hệ thống truy xuất từ đại lý xuống nông hộ. Dự kiến tháng 8 này chạy thí điểm, tháng 10 triển khai.

“Tuy nhiên, có công cụ tốt chưa đủ. Nhà nước cần có sự đầu tư, đặc biệt sớm có bản đồ số. Từ đó các địa phương sẽ cung cấp miễn phí cho các hộ dân…”- đại diện IDH đề nghị.

Theo chuyên gia Forest Trends, các bên tham gia chuỗi cung, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia liên kết với hộ cần xác định hộ là một hợp phần không thể tách dời trong mô hình kinh doanh của mình từ đó xác định việc giúp đỡ hộ trong việc đảm bảo hộ tuân thủ với luật pháp và thực hiện các hoạt động truy xuất là trách nhiệm doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý cấp địa phương cần giúp hộ trong việc xác định nguồn gốc đất đai, thông tin nền về tình trạng tài nguyên rừng và các hỗ trợ cần thiết khác về mặt thông tin, công nghệ nhằm đảm bảo hộ đáp ứng được với các yêu cầu trong các quy định mới của thị trường.

“Mặc dù không phải tất cả các hộ trong ngành cà phê đều phải đáp ứng yêu cầu EUDR, truy xuất nguồn gốc dần trở thành yêu cầu bắt buộc của các thị trường và điều này đòi hỏi hộ phải thay đổi các hoạt động canh tác hiện nay theo hướng thực hiện được truy xuất. Các thay đổi này đòi hỏi việc đầu tư về thời gian, công sức và nguồn lực của hộ. Để hộ thực hiện được điều này cần có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý..”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật