A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi dụng bão lũ để loan tin giả, lừa đảo nhằm trục lợi

Cơn bão số 3, mưa lũ đã gây ra những thiệt hại to lớn cả người và tài sản tại nhiều địa phương. Hiện nay, những thông tin về tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang là thông tin nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ nhất trên mạng xã hội.

- Cơ quan chức năng xử lý người thông tin sai sự thật về mưa lũ

- Cơ quan chức năng xử lý người thông tin sai sự thật về mưa lũ

Giả mạo quyên góp để lừa đảo

Bên cạnh những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng thì vẫn có tình trạng một số kẻ lợi dụng tình hình thiên tai đã cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật. Thậm chí một số đối tượng đã giả mạo các đơn vị, tổ chức để kêu gọi quyên góp lừa đảo.

Mấy ngày gần đây, lợi dụng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất hiện các cá nhân đăng tin trên trang Zalo, Facebook để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra, giả mạo Hội Phụ nữ phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc, đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.

Ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo, bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Cơ quan chức năng huyện Lâm Thao khẳng định thông tin kêu gọi ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu trên fanpage trên là không chính xác. Người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang fanpage giả mạo.

Không chỉ tạo fanpage giả để kêu gọi từ thiện, mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel.

Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối Internet. Đại diện Viettel Telecom đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên.

Trong những ngày gần đây, một số người dùng mạng xã hội cũng phản ánh tình trạng bị lừa đảo tiền từ thiện đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cụ thể người này đã chuyển số tiền lên cả trăm triệu đồng cho một người mua 2.000 chiếc áo phao để chuyển lên Tuyên Quang. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, người kia đã biến mất "không dấu vết."

Các chuyên gia cũng nêu ra một số trường hợp lừa đảo mới trong những ngày gần đây. Cụ thể, lợi dụng lúc cả nước đang hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nhiều kẻ xấu sẽ đăng tải các bài viết trên mạng xã hội kèm theo những hình ảnh rất đáng thương được tạo ra bằng AI. Sau đó, kẻ xấu sẽ lợi dụng lòng thương để lừa người dùng chuyển tiền từ thiện.

Chưa hết, một số đối tượng lợi dụng sự quan tâm của người dân đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt như tin giả về vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang... Các cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo tin giả, khẳng định các thông tin nói trên, được lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật.

Mặc dù cơ quan chức năng đã triệu tập, xử lý nhiều trường hợp về hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, tin sai sự thật trên nhưng nhiều người dùng mạng xã hội vẫn còn xem nhẹ, chưa ý thức hết trách nhiệm và hậu quả của việc phát tán những thông tin không đúng sự thật lên môi trường mạng.

Trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực hỗ trọ người dân thì nhiều đối tượng lại lợi dụng mưa lũ để trục lợi (Ảnh minh hoạ)

Trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực hỗ trợ người dân thì nhiều đối tượng lại lợi dụng mưa lũ để trục lợi (Ảnh minh hoạ)

Tỉnh táo, chọn lọc khi tiếp cận thông tin

Trong hai ngày qua (10-11/9) nhiều tài khoản đăng trên mạng xã hội đưa những thông tin về tình trạng vỡ đê ở Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà (Thái Bình); nhiều người mắc kẹt ở khu ngập nặng ở xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư)... gây hoang mang dư luận.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình khẳng định, đây là những thông tin sai sự thật, hiện tại hệ thống đê quốc gia vẫn an toàn.

Với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, người dân không được chủ quan, song cần tỉnh táo, chọn lọc khi tiếp cận thông tin, nhất là không tin theo, không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, ngày 11/9 trên địa bàn đã ghi nhận một điểm xói lở mái chân đê phía đồng tại vị trí K24+250 đến K24+290 đê sông Hóa thuộc địa phận xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy với chiều dài 40m. Ngoài ra, lũ lớn đã gây tràn một số tuyến bờ bao, đê bối, trong đó có đê bối xã Bách Thuận và đê bối xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư).

Đến chiều 11/9, cùng với các lực lượng tại địa phương, sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, các điểm tràn tại 2 xã này đã cơ bản được khắc phục. Về công tác di dân tránh lũ, đến 16 giờ ngày 11/9 tỉnh Thái Bình đã thực hiện di dời hơn 1.500 hộ với 4.118 nhân khẩu sinh sống ở vùng đê bối đến nơi an toàn. Trong đó nhiều nhất là huyện Vũ Thư đã di dời 748 hộ/2.158 nhân khẩu.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền bài viết một tuyến đê ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị vỡ, gây hoang mang dư luận. Trước thông tin trên, huyện Sóc Sơn đã khẩn trương vào cuộc xác minh và bác bỏ thông tin này.

Theo ông Đỗ Minh Tuấn Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 10/9/2024 đã xảy ra sự cố tràn, sạt lở tại khu vực đường liên thôn bao đầm thuộc thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Bề rộng điểm sạt lở khoảng 5-6m. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mực nước lũ cao tràn bờ bao gây sạt lở đường liên thôn bao đầm.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội; truy cập vào những trang web, cơ quan báo chí chính thống để theo dõi thông tin; không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật