A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lừa đảo đầu tư vào tiền mã hóa theo mô hình PONZI: Thực trạng tại Việt Nam

Bài viết có mục đích hệ thống hoá những nội dung cơ bản của mô hình lừa đảo đầu tư Ponzi, trình bày thực trạng và dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi tại Việt Nam, từ đó đề xuất 2 nhóm kiến nghị nhằm giảm thiểu các vụ lừa đảo đầu tư tại Việt Nam.

Tóm tắt: Tại Việt Nam, đã có không ít các vụ lừa đảo về đầu tư tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi với quy mô lớn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dân và ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế quốc gia. Bài viết có mục đích hệ thống hoá những nội dung cơ bản của mô hình lừa đảo đầu tư Ponzi, trình bày thực trạng và dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi tại Việt Nam, từ đó đề xuất 2 nhóm kiến nghị nhằm giảm thiểu các vụ lừa đảo đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: (i) Nhóm kiến nghị dành cho cơ quan quản lý nhà nước nhấn mạnh tới việc ban hành khung pháp lý về tiền kỹ thuật số, gia tăng hình phạt cho các hành vi lừa đảo và tăng cường công tác tuyên truyền về kiến thức tài chính tới người dân; (ii) Nhóm giải pháp dành cho cá nhân là công dân Việt Nam hướng tới việc đề cao tinh thần cảnh giác, xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn và đặc biệt là ý thức tự trau dồi và nâng cao hiểu biết về tài chính cá nhân, kiến thức đầu tư.

Từ khoá: lừa đảo đầu tư, mô hình Ponzi, tiền kỹ thuật số

CRYPTO CURRENCY INVESTMENT SCAM BY PONZI MODEL: THE CURRENT SITUATION IN VIETNAM

Abstract: In Vietnam, there have been scams on investing in digital & crypto currencies by Ponzi model on a large scale, causing serious consequences for the people and negatively affecting the national economy. The article is aimed at systematizing basic contents of Ponzi scheme, showing current situation and signs of investment fraud in digital currencies according to Ponzi scheme in Vietnam, then proposes 2 groups of recommendations to minimize  this type of scam, including: (i) Recommendations for state management agencies emphasizing the issuance of a legal framework on crypto currencies management, increasing penalties for frauds and increasing the dissemination of financial literacy to the public; (ii) A group of solutions for individuals who are Vietnamese citizens towards raising vigilance, building a long-term investment plan and especially self-improvement and enhancement of financial literacy, investment knowledge.

Keywords: investment scams, Ponzi scheme, digital & crypto currency

1. Đặt vấn đề

Trong suốt thập kỷ qua, tiền kĩ thuật số đã và đang phát triển nhanh chóng. Sự gia tăng số lượng người sử dụng máy tính kết nối mạng Internet cùng với quá trình toàn cầu hóa ngày càng cao của nền kinh tế thế giới, việc sử dụng công nghệ của World Wide Web khi giao dịch đã làm tăng lượng tiền lưu thông trong không gian mạng mà không có bất kỳ giới hạn nào về không gian hay thời gian. Tiền kỹ thuật số đã ra đời trong bối cảnh đó và phát triển cả ở khía cạnh tiền tệ tư nhân và tiền tệ do ngân hàng trung ương phát hành. Các cột mốc quan trọng bao gồm việc thành lập M-Pesa ở Kenya năm 2007, Bitcoin năm 2009, Libra/Diem vào năm 2019 hay việc công bố tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Cho tới nay, các loại tiền điện tử, mã hóa như Alipay, Bitcoin, Libra và Libra Coins đã trở nên phổ biến hơn trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư. Hệ sinh thái tiền điện tử, mã hóa đã chứng kiến sự bùng nổ vốn hóa thị trường đạt 2.525 tỷ USD vào thời điểm cao nhất vào ngày 12/5/2021.

Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tiền mã hóa, các vụ lừa đảo đầu tư vào giao dịch tiền mã hóa đang tăng lên nhanh chóng. Có thể kể đến vụ lừa đảo BitConnect hay PlusToken tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo Wang và các cộng sự (2021), nếu chưa tính các vụ lừa đảo tiền mã hóa mang bản chất là mô hình Ponzi, thiệt hại do gian lận tiền mã hóa khác chỉ chiếm 0,46%. Tại Việt Nam, đã có không ít các vụ lừa đảo về đầu tư tiền ảo với quy mô khá lớn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đã đến lúc cần phải truyền tải những kiến thức về tài chính, về đầu tư và thông tin đầy đủ tới người dân về các hình thức lừa đảo đầu tư, trong đó mô hình lừa đảo Ponzi đang trở nên phổ biến hơn cả tại Việt Nam.

Bài viết hệ thống hoá khái niệm và đặc điểm của mô hình lừa đảo Ponzi nói chung, phân tích thực trạng và dấu hiệu nhận biết hoạt động lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi tại Việt Nam. Từ đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm hạn chế các vụ lừa đảo đầu tư theo mô hình Ponzi tại Việt Nam.

2. Lừa đảo đầu tư theo mô hình Ponzi

Mô hình lừa đảo Ponzi là gì?

Tên gọi  mô hình lừa đảo Ponzi bắt nguồn từ kế hoạch lừa đảo “tiền đổi tiền” của Charles Ponzi. Theo đó, dưới danh nghĩa công ty giao dịch chứng khoán, Charles Ponzi cam kết trả lãi là 50% số tiền cho các nhà đầu tư trong vòng 45 ngày hoặc 100% trong 90 ngày. Do thành công trước đó ở mô hình tem bưu chính, các nhà đầu tư ngay lập tức bị thu hút. Nhưng thay vì thực sự đầu tư tiền, Ponzi chỉ dùng tiền của chính các nhà đầu tư để chi trả hoa hồng khổng lồ cho họ và nói với các nhà đầu tư rằng họ đã kiếm được lợi nhuận. Cứ như vậy, trong vòng 6 tháng, Ponzi đã thuyết phục được khoảng 20.000 người với giá trị đầu tư lên tới 10 triệu USD. Cuối cùng, sau khi thu hút hơn 40.000 nhà đầu tư, Ponzi đã biến mình thành một triệu phú sau chưa đầy nửa năm. Vụ việc bị vỡ lở khi chính nhà báo được Ponzi thuê để quảng bá cho công ty đã vạch trần vụ lừa đảo. Sau khi kiểm tra hồ sơ tài chính của Ponzi, nhà báo McMasters phát hiện ra rằng, số tiền duy nhất Ponzi có cho đến giờ là tiền lấy từ các nhà đầu tư. Những khoản lợi nhuận khổng lồ mà Ponzi đưa ra chỉ là ảo. Và cảnh sát tìm thấy bằng chứng Ponzi đã gian lận qua thư, theo đó Ponzi đã gửi những thông tin cập nhật đầu tư cho các nhà đầu tư của mình qua thư. Các nhà chức trách sau đó đã kết luận Ponzi có 86 tội danh lừa đảo.

Hình 1: Cơ chế hoạt động của mô hình lừa đảo Ponzi

Nguồn: Dimond Kaplan & Rothstein, PA

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đưa ra định nghĩa như sau: “Một kế hoạch Ponzi là một gian lận đầu tư liên quan đến việc thanh toán lợi nhuận có mục đích cho các nhà đầu tư hiện tại từ các quỹ do các nhà đầu tư mới đóng góp. Các nhà tổ chức chương trình Ponzi thường thu hút các nhà đầu tư mới bằng cách hứa hẹn đầu tư tiền vào các cơ hội được tuyên bố là tạo ra lợi nhuận cao với ít hoặc không có rủi ro. Với ít hoặc không có thu nhập hợp pháp, các kế hoạch Ponzi yêu cầu dòng tiền liên tục từ các nhà đầu tư mới để tiếp tục. Các kế hoạch Ponzi chắc chắn sẽ sụp đổ, thường xảy ra khi việc tuyển dụng nhà đầu tư mới trở nên khó khăn hoặc khi một số lượng lớn nhà đầu tư yêu cầu hoàn trả tiền của họ.”

Theo như Frankel (2009), các kế hoạch Ponzi rất đơn giản. Kẻ lừa đảo đưa ra lời hứa hẹn lợi nhuận rất cao với rủi ro dường như rất thấp từ một doanh nghiệp không tồn tại trên thực tế hoặc một ý tưởng bí mật không thành công. Kẻ lừa đảo tự kiếm tiền của các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cao như đã hứa cho các nhà đầu tư trước đó từ số tiền mà những nhà đầu tư này và những nhà đầu tư sau đã giao. Kế hoạch sụp đổ khi không còn tiền từ các nhà đầu tư mới. Các lợi ích từ chương trình đầu tư có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư cá nhân rơi vào tình cảnh bị lừa đảo. Những lời hứa hẹn đầu tư về lợi nhuận rõ ràng là một trong những yếu tố quyết định đến việc trở thành nạn nhân của kế hoạch Ponzi (Amoah, 2018). Lời hứa mang lại lợi nhuận cao hơn trong một khoảng thời gian ngắn mà không gặp nhiều rắc rối sẽ tạo cơ hội sinh lợi cho người nghèo thoát khỏi bẫy nghèo. Theo Banerjee & Duflo (2007), những người tham gia lược đồ kim tự tháp (Pyramid), đặc biệt là những người ở dưới đáy kim tự tháp với mục tiêu tìm kiếm các nguồn thu nhập tăng nhanh hơn. Theo Deb & Sengupta (2020), các khoản đầu tư vào các chương trình kim tự tháp (Pyramid) không đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục, khiến các nhà đầu tư ít học lựa chọn tham gia các chương trình này.

Trong vòng đời của kế hoạch Ponzi, khi tổng số nhà đầu tư tăng lên, nguồn cung các nhà đầu tư mới tiềm năng giảm đi, kẻ lừa đảo không có đủ tiền để trả lợi nhuận như đã hứa và trang trải cho các nhà đầu tư cũ cố gắng rút tiền. Tại thời điểm này, kế hoạch Ponzi không có lựa chọn nào ngoài việc sụp đổ. Trên thực tế, các kế hoạch Ponzi đang ở mọi giai đoạn đều phải dựa vào nguồn vốn từ các nhà đầu tư để duy trì hoạt động của kế hoạch lừa đảo. Do đó, kế hoạch Ponzi thất bại khi yêu cầu của tất cả các nhà đầu tư vượt quá dòng tiền thu được từ các nhà đầu tư mới. Nói một cách đơn giản, vòng đời của một chương trình Ponzi gắn liền với khả năng huy động vốn mới của nó. Đối với một số Ponzi, các nhà đầu tư cũ đã được cung cấp một động cơ rõ ràng để tuyển dụng thêm các nhà đầu tư mới. Đối với hầu hết các kế hoạch Ponzi, thay vì tham gia vào bất kỳ hoạt động đầu tư, kinh doanh hợp pháp nào, những kẻ lừa đảo tập trung vào việc thu hút tiền mới để thực hiện các khoản thanh toán đã hứa cho các nhà đầu tư trước cũng như chuyển một số quỹ “đã đầu tư” sang mục đích sử dụng cá nhân.

Đặc điểm của mô hình lừa đảo Ponzi

Mô hình lừa đảo Ponzi thường có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, kế hoạch Ponzi là một kế hoạch đầu tư gian lận vì sử dụng các khoản đầu tư của các nhà đầu tư mới để hoàn trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước đó.

Thứ hai, hứa hẹn lợi nhuận thường xuyên, bất kể các điều kiện phổ biến trong nền kinh tế ra sao.

Thứ ba, thu hút các nhà đầu tư mới bằng lời hứa hẹn cho họ một tỷ suất sinh lợi cao, thường cao hơn giá trị hoàn vốn của các thị trường.

Thứ tư, các kế hoạch Ponzi là các khoản đầu tư bất hợp pháp và chưa được đăng ký.

Thứ năm, kế hoạch Ponzi hoạt động dựa vào lòng tham của nhà đầu tư muốn kiếm ngày càng nhiều lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ.

Cuối cùng, kế hoạch Ponzi phụ thuộc vào dòng đầu tư tiếp tục của nhà đầu tư mới; bất cứ khi nào có bất kỳ sự chậm trễ hoặc khoảng cách thời gian nào trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư mới, kế hoạch này sẽ sụp đổ.

Các sản phẩm tài chính được sử dụng phổ biến trong mô hình lừa đảo đầu tư Ponzi

Quan sát thực tế cho thấy, mô hình lừa đảo đầu tư Ponzi tập trung vào một số sản phẩm tài chính như tiền kỹ thuật số, bất động sản và tín dụng. Cụ thể các hình thức lừa đảo đầu tư Ponzi được miêu tả như sau:

(i) Tiền kĩ thuật số

Tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là mã hóa, tiền ảo) ngày càng được nhiều nhà đầu tư biết tới, đặc biệt là trong thời đại 4.0 hiện nay. Các đồng tiền kỹ thuật số được chấp nhận sử dụng tại một số quốc gia như một loại tiền và có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch trực tuyến hoặc được sử dụng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Do đó, tiền kỹ thuật số cũng là công cụ được các đối tượng lừa đảo theo mô hình Ponzi hướng tới. Điển hình như các đồng tiền ảo với hình thức giống như Bitcoin đã được kẻ lừa đảo tạo ra để thu hút lượng tiền khổng lồ trên Blockchain.

(ii) Bất động sản

Các kế hoạch do các kẻ lừa đảo gây dựng với hình thức phân lô bán nền các dự án đất ảo, không được chính quyền cấp phép; các dự án đất nông nghiệp nhưng biến tướng thành đất thổ cư. Những kẻ lừa đảo núp bóng các chủ dự án đã đánh trúng tâm lý thị trường và đám đông, hứa hẹn với các nhà đầu tư một viễn cảnh hết sức tiềm năng như khu dân cư đẳng cấp, khu trung tâm đô thị mới,… hoặc có thể phá giá đất thị trường, mở bán với giá siêu rẻ nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đổ tiền vào. Các đối tượng lừa đảo có thể bán một dự án đất ảo n lần và thu hút n người đầu tư với lời hứa hẹn lãi suất khủng trong 1 năm.

(iii) Các sản phẩm tín dụng

Các đối tượng lừa đảo tiếp cận mọi người dân nhằm thuyết phục cho vay tiền kinh doanh với lời hứa hẹn trả lãi suất cao. Để nâng cao uy tín bản thân, kẻ lừa đảo sẽ giới thiệu những người đã cho vay và nhận về lợi nhuận khủng. Bằng cách gây dựng qua sự tin tưởng, mô hình này thường được các kẻ lừa đảo đưa ra để lừa những người quen biết, bạn bè, người thân,... Cứ như vậy, kẻ lừa đảo thu hút được rất nhiều tiền và luân hồi vòng tiền đến cho những nhà đầu tư mà thực chất không hề có một hoạt động kinh doanh nào xảy ra.

3. Lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi tại Việt Nam

Bảng 1: Các vụ lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi tại Việt Nam

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Bảng 1 trong bài là những vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi trên các sàn giao dịch tiền mã hóa điển hình tại Việt Nam. Quan sát các vụ lừa đảo đầu theo mô hình Ponzi trên các sàn giao dịch tiền mã hóa điển hình tại Việt Nam, có thể thấy rằng chúng đều có những đặc điểm chính như sau: (i) Lãi suất cao bất thường mà không có căn cứ trên hoạt động định lượng; (ii) Phát hành đồng tiền mã hóa hóa không có giá trị nội tại, không có tính ứng dụng; (iii) Đội ngũ phát triển không có chuyên môn công nghệ; (iv) Địa chỉ công ty không rõ ràng, không hoạt động trên thực tế; (v) Tập trung giới thiệu tham vọng sớm lên sàn lớn, giá tăng gấp nhiều lần sau khi lên sàn; (vi) Các đồng tiền mã hóa đa cấp chỉ giao dịch trên sàn, hệ thống hoạt động riêng, không lên những sàn giao dịch lớn chính thống; (vii) Không cung cấp đường link đến nơi để mã nguồn công khai, hoặc nếu có thì mã nguồn không được cập nhật hoặc ít được cập nhật.

4. Kết luận và kiến nghị

Những kế hoạch lừa đảo đầu tư theo mô hình Ponzi trên các sàn giao dịch tiền mã hóa, hoạt động tinh vi hơn, ngụy trang kín đáo hơn nhằm vào những người thiếu kiến thức về đầu tư. Họ không quá chú tâm trong vấn đề tìm hiểu về các sàn đầu tư uy tín, mặc định nghe theo những lời hứa hẹn lợi nhuận cao, không chút rủi ro, đón đầu xu thế. Do đó, các trò gian lận theo mô hình này chỉ cần áp dụng công thức như có nhiều người nổi tiếng làm đại diện cộng hưởng với quảng cáo rộng rãi trên các diễn đàn về khả năng sinh lời cao sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm và đầu tư từ người dân. Tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều cá nhân chưa đủ các kiến thức tài chính để tránh khỏi những kế hoạch lừa đảo. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết đó, nhiều dự án gian lận hình thành gây tổn hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Qua thực tế những thương vụ lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi tại Việt Nam, đều bộc lộ một số dấu hiệu điển hình như:

Thứ nhất, các vụ lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi thường đưa ra hứa hẹn lợi nhuận đầu tư cao với ít hoặc không có rủi ro. Trong thực tế, rủi ro và lợi nhuận thường có mối quan hệ thuận chiều. Do đó, các kế hoạch hứa hẹn lợi nhuận cao với rủi ro thấp cần được xem xét một cách đáng ngờ.

Thứ hai, các vụ lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi thường đưa ra hứa hẹn về lợi nhuận rất ổn định. Cụ thể, các khoản đầu tư hứa hẹn trả cùng một khoản lợi nhuận bất kể chu kỳ kinh doanh thường là đặc điểm chính của các kế hoạch Ponzi.

Thứ ba, các vụ lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi thường hướng tới các sản phẩm đầu tư chưa được pháp luật thừa nhận hoặc chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, hoặc tổ chức nhận ủy thác đầu tư chưa được cấp phép vận hành.

Thứ tư, các vụ lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi thường hoạt động bí mật và phức tạp. Các kế hoạch Ponzi thường không công bố thông tin chi tiết về các khoản đầu tư của họ, các nhà đầu tư không biết chính xác tiền của mình được đầu tư như thế nào. Ngoài ra, các chương trình Ponzi thường không gửi báo cáo hiệu suất thường xuyên hoặc báo cáo về các khoản đầu tư của khách hàng, và thay vào đó, có nhiều khả năng không nhất quán và dễ xảy ra lỗi trong thư từ.

Thứ năm, các vụ lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi thường khuyến khích các nhà đầu tư quay vòng lợi nhuận cao của họ và tăng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư cố gắng rút tiền đầu tư có nhiều khả năng gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền mặt.

Thông qua những đặc điểm nhận dạng lừa đảo đầu tư vào tiền kỹ thuật số theo mô hình Ponzi, nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị như sau:

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trước tiên cần nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách và khuôn khổ pháp luật về tiền mã hoá. Những thách thức về việc kiểm soát tiền mã hóa vẫn luôn được đặt ra hàng ngày, tuy nhiên xu thế đầu tư loại tiền này chắc chắn còn tiến xa hơn trong tương lai. Nếu Việt Nam không quy định khung pháp lý cụ thể cho hình thức đầu tư này thì các cá nhân sẽ không được bảo vệ và hướng dẫn đầu tư trên các sàn giao dịch chính thống. Mặc dù hiện tại, tiền mã hóa không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam nhưng khi các quốc gia khác dần chấp nhận đồng tiền này, chúng ta cũng nên xem xét, cân nhắc có những quy định phù hợp để tạo sân chơi cho các nhà đầu tư. 

Ngoài ra, Việt Nam cần thiết lập một chế tài xử phạt thật nặng đối với các đối tượng cầm đầu lừa đảo, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi trái pháp luật. Đây sẽ là một trong các giải pháp phù hợp với thực tiễn thị trường Việt Nam khi hiện tại những mô hình lừa đảo Ponzi, đa cấp phát triển về số lượng và cách thức hoạt động.

Cuối cùng, để giúp người dân có đủ kiến thức, hiểu biết để tránh xa các chiêu trò lừa đảo, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phổ cập, hỗ trợ cho người dân đầy đủ các kiến thức về các sản phẩm tài chính mới hình thành, những cảnh báo ban đầu về mô hình Ponzi - vốn là một mô hình còn xa lạ, chưa phổ biến tại xã hội Việt Nam. Để làm điều đó, cần thiết phải tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông chính thống như: báo đài, truyền hình, các cổng thông tin điện tử trực tuyến, ... đưa các thông tin cảnh báo về các mánh khóe lừa đảo xuất hiện giúp giảm tối thiểu rủi ro cho người dân.

Về phía các cá nhân, trước tiên người dân cần dành khoảng thời gian nhất định học tập, nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các kiến thức cần thiết trước khi rót vốn đầu tư vào bất kì loại tiền mã hóa nào. Các nhà đầu tư cá nhân cũng cần phải trau dồi kinh nghiệm đầu tư thường xuyên, điều đó giúp tìm được hướng giải quyết trong các tình huống khó khăn. Bên cạnh đó là học tập các kinh nghiệm của các nhà đầu  tư nước ngoài, tham khảo và tìm cho mình một chiến lược đầu tư phù hợp với bản thân.

Ngoài ra, thực tế cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang bị các yếu tố như: niềm tin, mối quan hệ xã hội hay hiệu ứng bầy đàn tác động đến các quyết định tham gia đầu tư. Điều này có khả năng làm giảm hiệu quả đầu tư và dễ bị dẫn dắt vào các kế hoạch lừa đảo chuyên nghiệp. Để gia tăng được hiệu quả đầu tư, tránh bị mắc bẫy trong các vụ lừa đảo đầu tư nói chung và lừa đảo đầu tư theo mô hình Ponzi nói riêng, các nhà đầu tư cá nhân cần xây dựng một kế hoạch dài hạn, tránh các làn sóng ngắn hạn, có nguyên tắc đầu tư riêng, đồng thời các quyết định đầu tư cần được phân tích kỹ càng dựa trên các cơ sở thông tin có sẵn. Từ đó sẽ tạo ra lập trường vững vàng, lối suy nghĩ độc lập, tránh cuốn theo các nhân tố tiêu cực từ đám đông.

Mỗi người dân cần có tinh thần cảnh giác cao với các kế hoạch đầu tư được mời chào với lợi nhuận siêu khủng, nhận tiền theo hàng tháng mà không cần làm bất cứ điều gì. Việc nâng cao khả năng sàng lọc các luồng thông tin trong thị trường tiền mã hóa còn nhiều lỗ hổng trong hành lang pháp lý cũng giúp giảm thiểu tối đa các rủi ro đầu tư tài chính.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 11 năm 2022

Tài liệu tham khảo:

- Amoah, B. (2018), “Mr Ponzi with fraud scheme is knocking investors who may open”, Global Business Review, 19(5), 1115-1128. 

- Banerjee, A.V. and Duflo, E. (2007), “The economic lives of the poor”, Journal of Economic Perspectives, Vol. 21 No. 1, pp. 141-168.

- Deb, S. & Sengupta, S. (2020), “What makes the base of the pyramid susceptible to investment fraud”, Journal of Financial Crime, 27(1), 143-154. 

- Frankel, T. (2009), “Statement of tamar before the committee of financial services of the US house of representatives”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật