Trắng tay vì bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động vẫn là cơ hội đổi đời với nhiều người. Tuy nhiên, giữa “ma trận” lời mời trên mạng xã hội, không ít người nhẹ dạ cả tin, trở thành nạn nhân của các chiêu lừa đảo tinh vi, mất trắng trước khi ra nước ngoài.
Tháng 3.2025, Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Thị Lệ Hằng (SN 1993, trú huyện Cam Lộ) vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến xuất khẩu lao động sang Mỹ. Ảnh: Anh Tuấn
Nộp tiền giữ “suất nội bộ”, mất trắng 40 triệu đồng
Đầu năm 2024, anh Lê Hà (tên đã thay đổi) trú tại tỉnh Phú Thọ nghe theo lời giới thiệu của một người quen trên mạng xã hội về chương trình tuyển lao động sang Hàn Quốc làm nông nghiệp với mức lương 40-50 triệu đồng/tháng. Người này cam kết có “suất nội bộ”, không cần qua trung gian, chỉ cần nộp trước 40 triệu đồng để “giữ chỗ”. Với mong muốn đổi đời, anh Hà đã gom góp toàn bộ số tiền tích cóp được, cộng với vay mượn từ họ hàng để nộp hồ sơ.
Sau khi chuyển khoản, phía tuyển dụng liên tục hứa hẹn, khất lần vì “thủ tục phức tạp”. Nhưng hơn 3 tháng trôi qua, anh Hà không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào. Khi liên hệ lại thì điện thoại bị chặn, tài khoản mạng xã hội của đối tượng cũng biến mất. Biết mình bị lừa, anh Hà chỉ còn biết trình báo cơ quan công an.
“Tưởng có cơ hội sang nước ngoài làm ăn, ai ngờ vướng bẫy lừa đảo” - anh Hà nghẹn ngào.
Lợi dụng mong muốn tìm việc, đổi đời của người dân, nhiều đối tượng đã lập các hội nhóm trên Facebook, Zalo để chiêu dụ, lừa đảo.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) - cho biết, đây là hành vi lừa đảo mà trung tâm đã nhiều lần cảnh báo.
Theo quy định, người lao động là học sinh, sinh viên từ 18-39 tuổi khi đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc chỉ phải nộp chi phí khoảng 17 triệu đồng. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo đã thu trái quy định lên đến 80 triệu đồng/người.
Tiền mất mà việc chẳng thấy đâu
Mới đây, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phạm Thị Huyền Chang để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đối tượng Phạm Thị Huyền Chang (sinh năm 1993; ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là Phó Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác và làm việc quốc tế IEC (Công ty IEC) ở quận Hà Đông; nguyên là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Hợp tác lao động quốc tế Vĩnh Thịnh (Công ty Vĩnh Thịnh), địa chỉ văn phòng tại đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.
Mặc dù không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, không có đơn hàng và chương trình xuất khẩu lao động nhưng từ năm 2019 đến tháng 12.2024, Chang vẫn thông báo cho các lao động đến hai công ty trên để nhận hồ sơ và thu tiền của người lao động với hứa hẹn đưa đi làm việc tại nước ngoài.
Sau khi nhận tiền, đối tượng đã không nộp hồ sơ, không làm thủ tục như đã hứa hẹn mà sử dụng vào chi phí hoạt động của Công ty Vĩnh Thịnh, Công ty IEC như trả lương nhân viên, thanh toán tiền thuê văn phòng công ty, phần còn lại Chang sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) cho biết, Bộ Nội vụ khẳng định chưa có chủ trương cho phép doanh nghiệp tuyển chọn và đưa lao động sang làm việc tại Israel trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nói chung và tại thị trường Israel nói riêng cần tìm hiểu thông tin cụ thể và cập nhật từ các nguồn chính thống như Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ, Trung tâm dịch vụ việc làm của các địa phương.
Bộ Công an cho biết, các đối tượng lừa đảo thường chú ý đến lao động ở vùng sâu, vùng xa đang có nhu cầu về tìm kiếm việc làm lao động thời vụ ở nước ngoài với mức lương cao, thủ tục nhanh, chi phí thấp. Khi tiếp cận, các đối tượng đưa ra lời chào mời hấp dẫn và hứa hẹn “nếu không đi được sẽ hoàn lại tiền cọc, khách hàng không mất tiền”, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người lao động để dẫn dụ khiến họ “sập bẫy”.
Tội phạm còn lợi dụng mối quan hệ quen biết với người địa phương nhằm tạo niềm tin cho người lao động, thông qua đó hướng dẫn những người địa phương trên thành cộng tác viên để nhận hồ sơ, thu tiền thay và chia “hoa hồng” theo thỏa thuận.
Trước thực trạng nêu trên, cơ quan Công an khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu đăng ký tham gia các chương trình xuất khẩu lao động với hình thức lao động hợp đồng dài hạn hoặc thời vụ, liên hệ trực tiếp với trung tâm dịch vụ việc làm, các Sở Nội vụ, các đơn vị có uy tín.
Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.881 lao động (16.152 lao động nữ) đạt 36,8% kế hoạch năm 2025, trong đó thị trường Nhật Bản thu hút 24.358 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 15.537 lao động, Hàn Quốc: 4.242 lao động, Trung Quốc: 1.005 lao động, Singapore: 689 lao động và các thị trường khác.