A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yếu tố then chốt quyết định vụ kiện vé số rách 2 tỉ đồng

Theo chuyên gia pháp lý, việc xác nhận vé số là thật là bằng chứng quan trọng nhất trong vụ kiện vé số 2 tỉ đồng.

Bằng chứng quan trọng từ kết quả giám định

Tại phiên xét xử công khai vụ "Tranh chấp trả thưởng tiền xổ số kiến thiết" sáng nay, phía nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Nga (tên nhân vật đã thay đổi, trú ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) và bị đơn là Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Huế (gọi tắt là Công ty xổ số Huế) đang có những lập luận, tranh cãi căng thẳng.

Phiên toà xét xử vụ vé số trúng 2 tỉ đồng bị rách. Ảnh: Phúc Đạt

Phiên toà xét xử vụ vé số trúng 2 tỉ đồng bị rách. Ảnh: Phúc Đạt

Luật sư Nguyễn Thanh Tân, Đoàn Luật sư Quảng Nam đã có những trao đổi với báo Lao Động về khả năng thắng kiện của nguyên đơn.

“Một trong những điểm mấu chốt giúp nguyên đơn có cơ hội thắng kiện là việc vé số trúng thưởng đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là vé thật” – Luật sư Tân chia sẻ.

Theo hồ sơ vụ án, bà Nga mua hai tờ vé số của Công ty vé số Huế vào ngày 13.10.2024. Trong đó, tờ vé số mang số 386552 (F) trúng giải đặc biệt trị giá 2 tỉ đồng; một tờ vé khác trúng giải phụ trị giá 50 triệu đồng.

Công an Huế đã giám định và kết luận rằng hai tờ vé số trên là vé thật, không có dấu hiệu tẩy xóa hay giả mạo. Trong khi đó, Công ty vé số Huế chỉ từ chối trả thưởng vì vé số trúng độc đắc của bà bị rách phần đuôi dãy số.

Tuy nhiên, theo thông lệ pháp lý, khi một chứng cứ đã được giám định và xác nhận là hợp lệ, nó sẽ có trọng lượng lớn trước tòa. Điều này có thể trở thành cơ sở giúp bà Nga bảo vệ quyền lợi của mình – Luật sư Tân nhận định.

Tranh luận về tính hợp lệ của vé số bị rách

Công ty vé số Huế viện dẫn Thông tư 75/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó quy định vé số trúng thưởng phải “còn nguyên hình, nguyên khổ, không rách rời, không chắp vá, không sửa chữa”.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Luật không quy định cụ thể mức độ rách như thế nào thì mất giá trị.

Thực tế, nhiều vụ kiện trước đây đã có kết luận rằng nếu vé số bị rách nhưng vẫn xác định được đầy đủ các yếu tố quan trọng (số vé, ký hiệu, thời gian phát hành...) thì vẫn có thể được công nhận hợp lệ.

Trong vụ kiện này, tờ vé số của bà Nga chỉ bị rách phần đuôi dãy số, nhưng các yếu tố quan trọng khác như dãy số chính, ký hiệu vé, và các đặc điểm bảo an khác vẫn còn nguyên vẹn. Nếu nguyên đơn và luật sư có thể chứng minh rằng vết rách không làm thay đổi bản chất của tờ vé số và không ảnh hưởng đến việc xác định kết quả trúng thưởng, tòa án có thể xem xét công nhận giá trị của tấm vé này.

Tờ vé số trúng giải 2 tỉ đồng nhưng bị từ chối trao thưởng của bà Nga. Ảnh: NVCC

Tờ vé số trúng giải 2 tỉ đồng nhưng bị từ chối trao thưởng của bà Nga. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, theo Luật sư Tân, xét trên phương diện hợp đồng dân sự, vé số chính là một loại hợp đồng mua bán giữa người mua và công ty phát hành vé số.

Theo nguyên tắc hợp đồng: Khi người chơi mua vé số, họ đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Nếu vé số trúng thưởng và được xác định là hợp lệ, công ty xổ số có trách nhiệm chi trả tiền thưởng.

Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định:

“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.”

Việc Công ty vé số Huế yêu cầu bà Nga đóng phí giám định để xác nhận vé số thật nhưng sau đó lại từ chối trả thưởng có thể bị xem là hành vi không minh bạch, gây bất lợi cho khách hàng. Đây là một điểm có thể được khai thác tại phiên tòa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật