Ai được lợi khi Em xinh say hi kéo dài, khán giả phải thức xem đến 1 giờ sáng
Nhiều tập gần đây, Em xinh say hi chiếu hơn 4 tiếng, kết thúc lúc 1 giờ sáng. Thời lượng dài khiến khán giả khó theo dõi toàn bộ chương trình.
Các ca sĩ trong chương trình Em xinh say hi. Ảnh: NSX Em xinh say hi
Tập 8 Em xinh say hi lên sóng với thời lượng 4 tiếng 36 phút, bao gồm 2 tiết mục trình diễn, phần thi dance battle (nhảy đối kháng) và vòng loại.
Đến 1 giờ đêm, chương trình mới kết thúc. Thời lượng dài khiến nhiều khán giả mất kiên nhẫn, liên tục để lại những bình luận than phiền khi xem công chiếu.
Trước đó, Em xinh say hi từng có tập 3 kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, tập 6 gần 5 tiếng, tập 1 hơn 4 tiếng...
Không ít người chia sẻ họ "mòn mỏi" chờ xem các tiết mục trình diễn về âm nhạc. Có ý kiến cho rằng bên cạnh các màn trình diễn, các nội dung khác như chia đội, loại trừ, chơi trò chơi, chia sẻ sau phần thi... chiếm quá nhiều thời gian, đôi lúc sa đà kể lể.
Ở tập 7 và 8, MC Trấn Thành và hàng loạt ca sĩ khóc xuyên suốt đêm thi. Những thông điệp như yêu chính mình, dám làm thử những điều mới, đi tìm bản ngã hay thậm chí... "là con gái thật tuyệt" lặp đi lặp lại.
Việc Trấn Thành liên tục đưa lời khuyên cho đàn em, kể câu chuyện riêng lấy sự đồng cảm, đưa cảm quan cá nhân về các ca sĩ gây tranh cãi với khán giả.
Dù chương trình phát sóng tối cuối tuần, việc thời lượng kéo dài bị cho là ảnh hưởng đến sức khỏe người xem, khiến phần cuối mỗi tập giảm số người xem trực tiếp.
Khi một show giải trí kéo dài 4-5 tiếng, nhà sản xuất và nhà tài trợ sẽ hưởng lợi khi tương tác "cộng dồn" tạo nên thành tích tốt, có nhiều thời lượng trả quyền lợi quảng cáo.
Trong mỗi tập Em xinh say hi, logo của các nhà tài trợ xuất hiện mọi nơi và có ít nhất 3 tiểu phẩm các ca sĩ lồng ghép quảng cáo tính năng sản phẩm, nhiều cảnh quay ca sĩ dùng sản phẩm của nhà tài trợ.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, chuyên gia truyền thông Lê Thơm - giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công, chuyên nghiên cứu lĩnh vực tiếp thị trải nghiệm - nhận định, chương trình càng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, doanh nghiệp đầu tư càng được lợi, tăng độ nhận diện và thu hút được thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ, khách hàng tiềm năng.
"Các doanh nghiệp nhắm đến đối tượng người trẻ phải nhanh chóng biến trải nghiệm âm nhạc thành lợi ích thực tế để giữ chân khách hàng. Bởi lẽ, gen Z lớn lên cùng internet, mạng xã hội và nhạy bén với công nghệ. Họ ưa thích trải nghiệm cá nhân hóa, đưa ra quyết định nhanh và không ngại thay đổi nếu thấy giá trị ngay lập tức.
Việc hợp tác với nghệ thuật, giải trí mang lại lợi thế lớn về cảm xúc và trải nghiệm, giúp thương hiệu được nhớ đến một cách tự nhiên và sâu sắc hơn", chuyên gia chia sẻ.
Bất chấp những ý kiến trái chiều, Em xinh say hi vẫn có lượt xem ổn định và có nhiều tiết mục đạt thứ hạng cao trong top YouTube Thịnh hành.
Hiện tại, trong top 30 video thịnh hành thì có đến 13 màn trình diễn của Em xinh say hi. Các tập phát sóng đều đạt top 1 thịnh hành, thu hút hàng triệu lượt xem.
Qua vài vòng thi, Em xinh say hi có một số sản phẩm lọt top thịnh hành trên YouTube như “AAA”, "Run" hay "Không đau nữa rồi"... nhưng các tiết mục này vẫn chưa tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh như chặng đầu Anh trai say hi.
Đến thời điểm hiện tại, để kéo dài 6 đêm concert như Anh trai say hi sẽ là một mục tiêu rất khó chinh phục cho các "em xinh".