A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” do Netflix tổ chức: Tôn vinh nhà sản xuất phim bản địa

Ngày 25.5, Netflix đã công bố ba thí sinh chiến thắng vòng chung kết cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” được tiếp sức bởi Sáng kiến “Quỹ vẻ đẹp Điện ảnh - Kinh tế Sáng tạo Việt Nam” Netflix tổ chức.

Tác giả Nguyễn Phạm Thành Đạt cùng các nhân vật trong tác phẩm mang màu sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Tác giả Nguyễn Phạm Thành Đạt cùng các nhân vật trong tác phẩm mang màu sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Với chủ đề “Việt Nam của tôi”, cuộc thi sản xuất phim ngắn khuyến khích các nhà làm phim từ các cộng đồng ít được biết đến có thể kể những câu chuyện của Việt Nam thông qua lăng kính của họ. Hơn 200 tác phẩm dự thi từ các nhà làm phim đầy hoài bão trên khắp Việt Nam đã được gửi đến chương trình kể từ khi bắt đầu mở cổng đăng ký từ tháng 12.2021. Trong số đó, 9 dự án nổi bật đã được tuyển chọn từ Ban Giám khảo gồm đại diện Bộ VHTTDL cùng các chuyên gia, nhà làm phim có tiếng trong ngành điện ảnh nước nhà.

Mỗi dự án sẽ được trao tặng kinh phí sản xuất phim trị giá 230 triệu đồng từ Sáng kiến Quỹ "Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo Việt Nam”. Trong số 9 tác phẩm được chọn trao hỗ trợ, Ban tổ chức đã công bố 3 tác phẩm đạt giải cao nhất, ba thí sinh chiến thắng cuối cùng nhờ cách kể chuyện độc đáo và những cảnh quay ấn tượng về nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam. Theo đó, các giải Nhất, Nhì, Ba lần lượt gọi tên Khu rừng của Páo của Nguyễn Phạm Thành Đạt; Vẹt con của Nguyễn Trần Ái Nhi và Đứng giữa lằn ranh của Phan Ngọc Thanh Ngân.

Bộ phim của Nguyễn Phạm Thành Đạt kể về câu chuyện của Páo - một chàng trai người H’Mông lấy vợ từ năm 14 tuổi. Nhưng khi Páo dần trưởng thành thì bất ngờ nhận ra tình yêu của mình dành cho một cô gái khác, Páo phải đấu tranh giữa việc tiếp tục duy trì trách nhiệm gia đình của một người con H’Mông hay từ bỏ tất cả để chạy theo tình yêu cá nhân. Dự án được quay trong hơn một tháng tại Mộc Châu, Việt Nam và tất cả các diễn viên của phim đều là người dân tộc H'Mông.

Khai thác chủ đề về văn hoá tập tục lâu đời của dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Khu rừng của Páo ghi dấu ấn nhờ những khung hình mang đậm màu sắc núi rừng Tây Bắc. Được biết, tình tiết trong phim dựa theo câu chuyện có thật ngoài đời của một người bạn của Thành Đạt. Thế nên, thông điệp mà mỗi khán giả xem phim đều có thể cảm nhận được đó là vấn nạn tảo hôn đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của một con người như thế nào.

Cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” do Netflix tổ chức: Tôn vinh nhà sản xuất phim bản địa ảnh 1

Tác giả Nguyễn Phạm Thành Đạt cùng các nhân vật trong tác phẩm mang màu sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Chia sẻ về thành tích này, Thành Đạt gửi lời biết ơn đến chương trình đã tạo ra “sân chơi” cho những người trẻ mê làm phim: “Trước đây em chỉ tiếp xúc với việc làm phim thông qua bài tập trong trường điện ảnh, đây là lần đầu em bước ra ‘sân chơi’ lớn thế này. Hôm nay cầm chiếc cúp ở đây, em rất cảm kích mọi người đã giúp những người trẻ như chúng em có cơ hội tiếp xúc với công việc sản xuất phim ảnh”.

Bộ phim Vẹt con kể về Erik, một chàng trai người Đức sau khi gặp bác Thu, mẹ của Minh - bạn trai đã qua đời của Erik. Bác Thu muốn đem tro cốt của Minh về Việt Nam còn Erik thì chưa sẵn sàng với điều đó. Nguyễn Trần Ái Nhi cho biết bộ phim được lên ý tưởng từ đầu tháng 12.2021, giai đoạn tiền sản xuất bắt đầu khoảng giữa tháng 2 tới cuối tháng 3.2022. Thời gian quay là 4 ngày ở Berlin, Đức. Đội ngũ sản xuất bao gồm một nửa là người Việt và một nửa là người Đức. Ba ngôn ngữ được sử dụng trên trường quay là tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Đức. Đạo diễn giao tiếp cùng lúc bằng ba ngôn ngữ với đoàn làm phim và diễn viên.

 
Cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” do Netflix tổ chức: Tôn vinh nhà sản xuất phim bản địa ảnh 2

Cảnh trong phim “Vẹt con”

Trong khi đó, dự án Đứng giữa lằn ranh của Phan Ngọc Thanh Ngân lại mang một màu sắc khác biệt khi kể về chuyến hành trình của một người đàn ông trên xe taxi đến điểm hẹn – nơi anh đoàn tụ cùng gia đình. Dọc đường đi, anh gặp gỡ rất nhiều người bạn đồng hành xa lạ nhưng đến cuối cùng mới chợt phát hiện, những con người ấy thật ra rất thân quen. Phim được quay trong năm ngày tại Củ Chi, Việt Nam.

Cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” do Netflix tổ chức: Tôn vinh nhà sản xuất phim bản địa ảnh 3

Ê kíp Đứng giữa lằn ranh, phim được quay tại Củ Chi

Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đánh giá cao các dự án đã tham dự cuộc thi. “Tôi nhìn thấy trong các dự án vẻ đẹp lao động sáng tạo, nhiệt huyết và sự chuyên nghiệp của các tác giả. Sự phát hiện một cách tinh tế về đời sống, về con người Việt Nam ngày nay, về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam, tại nước ngoài, về những người yếu thế trong xã hội, về thiên nhiên, môi trường… của các tác giả tham dự cuộc thi chứng tỏ tình yêu đất nước, con người Việt Nam của các tác giả rất nhiều”.

Bà Amy Sawitta Lefevre, Trưởng bộ phận Đối ngoại của Netflix, APAC bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng thông báo ba thí sinh chiến thắng của cuộc thi. Đây là những câu chuyện của những nhà làm phim tài năng Việt Nam, từ Việt Nam và về đất nước Việt Nam. Tôi cảm thấy rất tự hào khi xem những thước phim này và hiểu thêm về văn hóa, lịch sử phong phú của đất nước Việt Nam tuyệt đẹp. Đây cũng là minh chứng cho những câu chuyện đôi khi bị lãng quên hoặc vẫn chưa được khai thác, đồng thời giúp chúng ta hiểu và thực sự ủng hộ những nhà làm phim từ các cộng đồng ít được biết đến. Việc này cũng giúp chúng ta hiểu rằng việc thực sự hỗ trợ những nhà làm phim ít được biết đến là một bước quan trọng để tiến tới sự đa dạng và hòa nhập của những người đứng trước và sau máy quay”.

Trước đó, Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh – Kinh tế sáng tạo Việt Nam đã công bố con số lên gần 5 tỷ đồng với mục đích hỗ trợ cộng đồng làm phim yếu thế ở Việt Nam như các nhà làm phim nữ giới, người thuộc dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có hoàn cảnh sống khó khăn hay người thuộc cộng đồng LGBT+. Thông qua cuộc thi, ban tổ chức muốn tìm kiếm những nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất để góp phần đưa điện ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới, vươn xa hơn trong tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật