A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đạo diễn Quốc Thảo làm mới “Truyện Kiều” với vở “Kỹ nữ”

Nam đạo diễn mang đến cho khán giả một góc nhìn mới về “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Kịch bản vở “Kỹ nữ” (diễn đêm 18/6 tại TP HCM) được phóng tác từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã được đông đảo người yêu lịch đón nhận - như một luồng gió mới.

Vở kịch mở ra với bi kịch đầu tiên, cũng là nguyên nhân của chuỗi bi kịch trong cuộc đời Thúy Kiều là bán mình chuộc cha. Hành động đó được thể hiện qua góc nhìn, sự cảm thông của Thúy Vân, để giữ tròn chữ hiếu, lo cho cha qua hành động cùng một lúc đóng cả hai vai, khi là Thúy Kiều, khi là Thúy Vân để người cha an lòng dưỡng bệnh.

Bi kịch xảy ra với Kiều qua cách kể chuyện của đạo diễn Quốc Thảo đã làm rõ một trình tự mắc lừa của Kiều hết lần này đến lần khác. Và trong 15 năm lưu lạc, Kiều chịu sự giày vò, chà đạp về thể xác lẫn tinh thần, nhưng những kẻ hại nàng như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Bạc Bà… đều đối diện với bản án lương tâm.

Bên cạnh đó, điểm cốt lõi của vở diễn là nghị lực đáng quý của Kiều, bởi nàng dù đối mặt với hoàn cảnh bế tắc, cần dựa vào tình yêu để tìm lối thoát, nhưng vẫn giữ được tình yêu chân thành dành cho cuộc sống. Hay trong chuỗi bi kịch của Thúy Kiều, bi đát nhất là mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Chính hắn đã lừa Kiều, để rồi giết chết Từ Hải nhưng hắn cũng không thể khuất phục được nàng. Kết quả, nàng Kiều đã trầm mình xuống dòng sông để “trọn lòng trung trinh” cùng Từ Hải.

Đạo diễn Quốc Thảo làm mới “Truyện Kiều” với vở “Kỹ nữ” ảnh 1

Dàn diễn viên tham gia vở “Kỹ nữ”.

Nói về vở kịch, đạo diễn Quốc Thảo cho biết anh chọn góc nhìn mới về Kiều qua cách kể của dàn diễn viên trẻ đều là học trò do anh đào tạo với mong muốn khái quát một bi kịch đời người. Từ đó, anh muốn khán giả sẽ cùng anh phân tích, lập luận rộng hơn đến những cạm bẫy cuộc đời hay những bản án lương tâm do những nhân vật đã gây ra cho Kiều.

Theo đó, vở kịch đã tạo cơ hội để các diễn viên trẻ hóa thân vào tác phẩm kinh điển của văn học với góc nhìn đương đại. Các diễn viên như: Mai Phương, Uyên Thanh, Thanh Ngân cùng đảm nhận vai Thúy Kiều, Khánh Dương vai Thúy Vân, Trọng Đức vai Vương Ông, Lê Văn Thuận vai Quan, Khánh Vi vai “thằng bán tơ”, Nhật Hào vai bà mối, Hoài Giang vai Mã Giám Sinh, Thùy Dương vai Tú Bà, Hữu Tài vai Thúc Sinh, Tú Hảo vai Hoạn Thư và kỹ nữ Mai Anh, Hữu Nhân vai Bạc Bà, Nguyễn Anh Kiệt vai Hồ Tôn Hiến, Thanh Tâm vai Từ Hải…

Có thể nói, vở diễn đêm cuối tháng 6 đã tạo cho khán giả giả những trận cười nghiêng ngả, họ khóc, cười với Thúy Kiều, với những Mã Giám Sinh và những hỉ nộ ái ố chốn lầu xanh Ngân Bích. Trong đó, Thùy Dương vai Tú Bà đã lột tả một cách xuất sắc hình ảnh một tú bà ham tiền, làm giàu trên thân phận nàng Kiều.

Nhưng cũng chính Tú Bà (Thùy Dương thủ vai) bằng nét diễn duyên dáng của mình, đã đem đến cho khán giả những nét vẽ khắc họa một cách đầy đủ nhất về những nỗi niềm khắc khoải, về những nỗi đau, cũng như về thân phận con người trong chốn “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Đạo diễn Quốc Thảo làm mới “Truyện Kiều” với vở “Kỹ nữ” ảnh 2

Thùy Dương gây ấn tượng với vai Tú Bà. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh Thùy Dương, thì Thanh Tâm vai Từ Hải, Hoài Giang vai Mã Giám Sinh cũng làm tròn nhân vật của mình.

Điều đáng tiếc duy nhất, là 3 nhân vật đóng vai Thúy Kiều chưa làm bật lên được tính cách nhân vật của mình, chưa làm cho người xem thấu được nỗi đau mà mình phải gánh chịu qua bao kiếp trầm luân, đủ để cho khán giả ra về mà còn trăn trở với một thân phận Thúy Kiều “Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Vở sẽ được tái diễn tối 3/7 tại Sân khấu kịch Quốc Thảo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật