Thời cơ “vàng” cho sản phẩm du lịch cao cấp
Du lịch mở cửa tạo lợi thế cho các sản phẩm du lịch cao cấp trở lại. Chuỗi khách sạn 4 – 5 sao ghi nhận lượng khách đặt phòng tăng vọt cho dịp lễ 30/4 sắp tới. Các sản phẩm khác như du lịch hang động, golf… cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở để đón khách.
Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển du lịch cao cấp. (Ảnh minh họa)
Phát triển các sản phẩm cao cấp
Các tour du lịch nội địa khám phá thiên nhiên giá lên tới hàng chục triệu đồng đang trong tình trạng “cháy tour”. Điển hình, tour khám phá hang Sơn Đoòng không mới nhưng là trải nghiệm khá kén khách, nay gần như đã kín khách. Hang động này chỉ được đón giới hạn 1.000 du khách/năm, không phục vụ 2 đoàn cùng lúc. Mỗi năm tour được tổ chức trong 8 tháng, 4 tháng còn lại để tái cân bằng trong hang động. Hiện tại, tour này được Oxalis Adventure khai thác với mức giá 3.000 USD/người (tương đương 72 triệu đồng), thám hiểm hang Sơn Đoòng trong 4 ngày 3 đêm.
Tuy mức chi phí “ngang ngửa” các tour du lịch nước ngoài như châu Âu hay Mỹ nhưng các tour khám phá này lại thu hút nhiều khách du lịch quan tâm. Anh Trần Đặng Đăng Khoa, một blogger du lịch từng tham gia tour khám phá hang động Sơn Đoòng chia sẻ đây là trải nghiệm chinh phục bản thân, chi phí bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng với những giá trị du khách nhận được.
Anh Khoa cho biết, để tham gia tour này du khách cần chuẩn bị nhiều về thể lực. An toàn là tiêu chí hàng đầu khi tham gia tour này. Nhân viên hỗ trợ đoàn đều là người địa phương, thu xếp chỉn chu suốt chuyến đi, mang vác đồ để du khách có được trải nghiệm trọn vẹn nhất. Đại diện đơn vị tổ chức tour Sơn Đoòng cho biết, mỗi tour chỉ có 10 khách, cần khoảng 30 người phục vụ. Trong đó bao gồm 22 porter mang hàng lý, thực phẩm suốt hành trình, 5 trợ lý an toàn, một hướng dẫn viên quốc tế, một chuyên gia hang động Hoàng gia Anh, 2 đầu bếp và một kiểm lâm. Trong trường hợp khẩn cấp sẽ có máy bay trực thăng cứu hộ du khách.
Nếu thời gian trước, các sản phẩm du lịch cao cấp trở lại một cách thận trọng, chờ đợi nhu cầu khách sau đại dịch COVID-19 thì nay các khách sạn, villa cao cấp hay du lịch chất lượng cao đều đã ồ ạt trở lại, báo hiệu thời cơ vàng cho phân khúc cao cấp.
Tại Quảng Ninh, các đơn vị du lịch bắt đầu nghiên cứu phát triển sản phẩm thủy phi cơ từ Tuần Châu ra đảo Cô Tô. Dự kiến, đây sẽ là sản phẩm du lịch cao cấp đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời gian tới. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho hay, nhu cầu du khách đến Cô Tô bằng thủy phi cơ là có tiềm năng. Nếu đường bay Tuần Châu - Cô Tô được mở và đi vào hoạt động ổn định, sẽ giúp thu hút lượng khách chất lượng cao tới Cô Tô, góp phần tích cực vào định hướng phát triển du lịch cao cấp của huyện.
Không chỉ các hoạt động du lịch cao cấp, chuỗi hệ thống khách sạn, villa, resort hạng sang cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt trước dịp 30/4. Lữ hành Saigontourist thông tin, hiện công ty đã có hơn 100 sản phẩm tour du lịch trong và ngoài nước, dự kiến phục vụ 30.000-35.000 lượt khách. Công ty nhận thấy, khách du lịch đặc biệt quan tâm đến các tour trọn gói nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú tại các resort cao cấp... Nhu cầu đi trong nước tăng trưởng mạnh với top 5 điểm du lịch được lựa chọn nhiều nhất là Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh).
Định hướng hút khách quốc tế
Thị trường nội địa là một phần, định hướng của các sản phẩm cao cấp này sắp tới sẽ là nhóm khách quốc tế trở lại Việt Nam sau thời gian dài vắng bóng. Theo Trung tâm Thông tin (Tổng cục Du lịch), dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Singapore bắt đầu tăng từ đầu tháng 3/2022, tăng đến 400%. Bên cạnh đó, khách đến từ các nước Mỹ, Australia, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Singapore, Anh, Ấn Độ, Thái Lan… đang tăng cao, đặc biệt là từ tháng 3.
Các sản phẩm du lịch cao cấp sẽ là trọng yếu để thu hút nhóm khách này. Theo kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước trong khu vực đều có định vị phân phúc này riêng, tập trung chính sách và nguồn lực để thu hút. Chẳng hạn Malaysia có chính sách ngôi nhà thứ hai ("second home"), cho khách nghỉ hưu, đến vùng nắng ấm, không cần visa, ở bao lâu tùy thích. Tổng cục Du lịch Thái Lan có hẳn một phòng cao cấp, các sản phẩm, video thương mại dành riêng cho phân khúc này; các hình ảnh và trải nghiệm chân thực; khách đến sân bay có làn riêng “fast track”, không cần kiểm tra visa và ra thẳng xe limousine, xe cảnh sát hộ tống, các dịch vụ bay “private jet”, du thuyền và đánh golf.
Nhận định Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển du lịch cao cấp, các địa phương hiện đều chuẩn bị phương án để đón khách quốc tế trở lại. Một trong những địa phương có tiềm năng lớn hiện nay là Hải Phòng. Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group hiện đang phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp tại đây cho biết, Hải Phòng đang ưu tiên tập trung vào lấy khách hàng làm trung tâm, sản phẩm cao cấp, cơ chế chính sách thuận lợi để phát triển du lịch, định vị thương hiệu, ứng dụng số quản lý và quảng bá du lịch ngắm tới khách hạng sang quốc nội và quốc tế có khả năng chi trả cao, ở lâu hơn. “Những năm gần đây golf đang nổi lên là xu hướng du lịch ngày càng hút khách. Với hệ thống sân golf hiện đại được đầu tư ở Hải Phòng, địa phương hoàn toàn có thể nghiên cứu, tập trung phát triển du lịch gắn với thể thao golf”, ông Hà cho biết.