Thúc đẩy du lịch Việt Nam chạm mốc 23 triệu khách quốc tế
Trong năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120-130 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu từ du lịch đạt khoảng 980-1.050 nghìn tỉ đồng.
Thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới
Thị trường du lịch 2025 bắt đầu sôi động với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày. Thay vì về quê, nhiều người Việt lựa chọn du ngoạn, khám phá các điểm đến trong nước và quốc tế.
Chị Thanh Nga (31 tuổi, Ninh Bình) cho biết: “Lên mạng tìm kiếm tour châu Á, tôi thấy các công ty du lịch Việt cung cấp khá nhiều lựa chọn với hành trình và giá cả đa dạng cho khách lựa chọn”.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel - cho biết, năm 2025, công ty sẽ triển khai các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng mọi phân khúc khách hàng, bao gồm: Du lịch nước ngoài (outbound), du lịch nội địa (domestic), đón khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) và dịch vụ lẻ.
“Với thị trường du lịch nước ngoài, công ty tập trung khai thác tour ở thị trường châu Á, Âu, Mỹ, với các sản phẩm đa dạng như tour phổ thông, tour văn hóa, tour khám phá, tour mua sắm và trải nghiệm, tour theo sự kiện quốc tế...
Trong khi, thị trường chính của tour inbound gồm khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu... với các loại hình sản phẩm: tour trọn gói khám phá Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Huế, TPHCM...; Du lịch văn hóa tại Hội An, Mỹ Sơn, Côn Đảo... Chúng tôi còn cung cấp dịch vụ lẻ gồm hướng dẫn viên, vé tham quan, cho thuê xe...” - bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nói.
Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm tour khám phá, tour nghỉ dưỡng, tour du lịch cộng đồng và các tour chuyên biệt như trekking, cắm trại, hành hương... với đầy đủ các loại hình dịch vụ lẻ như vé máy bay, nhà hàng khách sạn, vé tham quan, cho thuê xe, visa...
Theo bà Vũ Ngọc Nhi - Giám đốc Marketing Công ty Du lịch TST Tourist, năm 2025, công ty sẽ tập trung vào mùa hè cao điểm với chùm tour lên rừng xuống biển, gồm cả trong và ngoài nước. Các sản phẩm chủ yếu tại: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Mộc Châu, Mai Châu, Hạ Long, Ninh Bình...
Với tour nước ngoài, công ty đẩy mạnh khai thác thế mạnh là tour châu Âu (gồm tour đơn tuyến và liên tuyến), tour Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Doanh nghiệp còn có các sản phẩm tour truyền thống theo mùa như Xuân Lộc Phát, Hè Sôi Động, Thu Muôn Lối...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành chủ động lên kế hoạch xúc tiến trong và ngoài nước.
Tăng cường hoạt động xúc tiến
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhận định, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược là quản lý và quảng bá, xúc tiến du lịch.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - cho biết, năm nay trong nước sẽ tập trung tổ chức một số chương trình quảng bá, xúc tiến trọng tâm như: Năm Du lịch quốc gia 2025 - Huế, Hội nghị quốc tế về công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch, Hội chợ VITM Hanoi 2025, Hội chợ ITE HCMC 2025... đồng thời, triển khai thêm nhiều chương trình du lịch mới.
Để thúc đẩy thị trường quốc tế, ông Hà Văn Siêu chia sẻ: “Ngành du lịch sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: Thị trường được miễn thị thực nhập cảnh, thị trường có kết nối đường bay thuận lợi và thị trường có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng”.
Tại các địa phương, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch 2025 cũng diễn ra sôi động. Là nơi đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025, Huế dự kiến chủ trì 62 hoạt động trong số hơn 170 sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh được tổ chức gắn với sự kiện quan trọng này.
Bà Trần Thị Hoài Trâm - Giám đốc Sở Du lịch TP Huế - cho biết, năm 2025, ngành du lịch Huế phấn đấu thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 38-40%.
Để đạt mục tiêu đón 30 triệu lượt khách, Sở Du lịch TP Hà Nội đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc đánh giá lại thị trường khách, tập trung xúc tiến thu hút các thị trường khách quốc tế trọng điểm, truyền thống như: Đông Bắc Á, ASEAN, EU...
Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, châu Âu, Australia, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông và các thị trường nói tiếng Trung. Các sự kiện tiêu biểu gồm Tuần Văn hóa Du lịch Việt Nam tại châu Âu, Nhà Triển lãm tại EXPO 2025 Osaka và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch, đón khách quốc tế đến TPHCM
Vừa qua, clip thông điệp “TPHCM chào đón bạn” được thực hiện bằng 27 ngôn ngữ, phát liên tục trên màn hình LED tại ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại diện Sở Du lịch TPHCM cho hay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những cửa ngõ quan trọng nhất của Việt Nam, đón tiếp hơn 40 triệu lượt khách mỗi năm, bao gồm cả khách quốc tế và nội địa. Chương trình quảng bá hình ảnh du lịch TPHCM tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không chỉ tạo ấn tượng cho du khách ngay từ đầu hành trình mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch, chủ động cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu khám phá thành phố của du khách.
Thời gian tới, các hoạt động quảng bá tiếp tục được mở rộng ra nhiều kênh, địa điểm khác như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sau khi được hoàn thành, các ga metro, bến tàu, bến xe, ga Sài Gòn để tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai loạt sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng của TP Thủ Đức, 21 quận/huyện, tour liên kết các địa phương; tour truyền thống; sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch đường thủy, du lịch về đêm...
Trao đổi với Báo Lao Động, bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Vietluxtour đánh giá, các sản phẩm liên tuyến nội, ngoại thành như TPHCM - Cần Giờ, TPHCM - Củ Chi, TPHCM - Tây Ninh... phù hợp với các thị trường khách quốc tế không có nhiều thời gian tham quan, muốn kết hợp nhiều điểm đến trong một chương trình.
Sở Du lịch TPHCM nhận định, thành phố đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 45 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch khoảng 260.000 tỉ đồng. Thanh Chân
Đà Nẵng: 3 đột phá để đạt 12 triệu lượt khách năm 2025
Năm 2025, Đà Nẵng đặt mục tiêu đón gần 12 triệu lượt khách, riêng khách nội địa ước đạt hơn 7,1 triệu lượt.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, với mục tiêu đạt doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 hơn 36.000 tỉ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2024, thành phố sẽ triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch thành phố gồm: đột phá về sản phẩm du lịch; đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch và đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm; duy trì tăng trưởng thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), tăng cường xúc tiến khai thác thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á; mở rộng và khai thác các thị trường tiềm năng Ấn Độ, Mỹ, Úc, thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị trong năm 2025, ngành du lịch cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và du khách. Ứng dụng mạnh chuyển đổi số trong quản lý, truyền thông xúc tiến, quảng bá và giới thiệu điểm đến để góp phần hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Nguyễn Linh