A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ phim về Sơn Đoòng tới quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh

Series phim tài liệu BBC Planet Earth III vừa nhận 5 đề cử của giải Emmy 2024 - giải thưởng được ví như Oscar của ngành truyền hình. Trong đó, 2 đề cử thuộc về tập 6 “Extremes” - tập phim ghi lại câu chuyện và hình ảnh tuyệt đẹp về hang Sơn Đoòng. Điều này một lần nữa cho thấy tiềm năng để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới thế giới thông qua điện ảnh.

Từ phim về Sơn Đoòng tới quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh

Hố sụt thứ hai của Sơn Đoòng hay được gọi là Garden of Edam “Vườn Địa Đàng”. Ảnh: Oxalis

Hang Sơn Đoòng và những lần lên phim

Series phim tài liệu Planet Earth III lên sóng từ tháng 10.2023, tập 6 “Extremes” được chiếu vào 26.11.2023 đã mang đến những thước phim ngoạn mục bên trong hang Sơn Đoòng. Vừa qua, tập 6 mang tên “Extremes” được đề cử giải “Quay phim xuất sắc nhất cho chương trình phi hư cấu” và giải “Soạn nhạc xuất sắc nhất cho loạt phim tài liệu” tại Giải thưởng Emmy 2024.

Đoàn làm phim Planet Earth III của BBC có mặt tại Quảng Bình và chính thức khai máy vào đầu năm 2022. Trong hơn 3 tuần, đoàn phim bất chấp điều kiện khó khăn để ghi lại vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng, hang Én, hang Va và hang Nước Nứt. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và UBND tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện hỗ trợ, ủng hộ đoàn làm phim.

“Đây là một hãng lớn, phim cũng được chiếu ở nước ngoài, lượng khán giả của hãng lớn trên khắp thế giới, nên khi BBC chọn chủ đề và hang Sơn Đoòng vào trong cảnh quay đã là một thắng lợi. Khi phim được phát sóng cũng như nhận được các giải thưởng, hứa hẹn hang Sơn Đoòng của Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên thế giới” - ông Quý nói.

Oxalis - đơn vị duy nhất được cấp phép thực hiện tour thám hiểm tới hang Sơn Đoòng - đã hỗ trợ cho đoàn làm phim của BBC trong quá trình ghi hình tại Việt Nam. Hơn 100 nhân viên đã làm việc không mệt mỏi trong gần một tháng để hỗ trợ công tác hậu cần. “Thông qua việc thể hiện nét đẹp độc đáo của Hang Sơn Đoòng và các hang động khác trên chương trình Planet Earth III của BBC, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với Quảng Bình. Chúng tôi tin rằng, niềm đam mê và tinh thần làm việc chăm chỉ của chúng tôi sẽ không chỉ đưa Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành điểm đến du lịch hàng đầu mà còn mở ra những cơ hội mới, các dự án quy mô lớn với các gã khổng lồ truyền thông toàn cầu”, đại diện Oxalis chia sẻ.

Đây không phải lần đầu tiên hang Sơn Đoòng xuất hiện trên truyền hình hay phim ảnh quốc tế. ​​Năm 2016, phim tài liệu về hang Sơn Đoòng (Việt Nam) chiếu trong chương trình thực tế Good Morning America (Chào buổi sáng nước Mỹ) của kênh ABC đã chiến thắng tại hạng mục “Phim tài liệu và tin tức” tại Liên hoan phim The New York City Drone Film.

Những năm tiếp theo, hang Sơn Đoòng tiếp tục xuất hiện trong MV Alone, Pt. II thu hút hơn 390 triệu lượt xem của DJ nổi tiếng thế giới Alan Walker, hay dự án Sơn Đoòng 360 độ của National Geographic. Năm 2022, phim tài liệu 100 phút “A Crack in the Mountain” về hang Sơn Đoòng lần đầu ra mắt tại Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế DMZ 2022. Bộ phim nhận về nhiều giải thưởng, nổi bật với chiến thắng ở hạng mục Phim của năm tại Liên hoan phim Phiêu lưu Bắc Âu (Đan Mạch) và hạng mục Phim tài liệu Quốc tế tại Liên hoan phim Quốc tế Sedona ở Arizona (Mỹ).

Sơn Đoòng không phải là “ngôi sao sáng” duy nhất

Thực tế, phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh không phải câu chuyện mới. Đạo diễn Võ Thanh Hòa từng chia sẻ với Lao Động rằng: “Không có gì tốt hơn việc giới thiệu hình ảnh qua các bộ phim. Bởi lẽ, các video du lịch chỉ có hình ảnh, trong khi phim ảnh có thêm câu chuyện, cảm xúc, khiến khán giả ghi nhớ tốt hơn về các điểm đến, thắng cảnh tại Việt Nam”.

Nhiều bộ phim trong nước từng tạo ra hiệu ứng tích cực cho các địa phương. Tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” làm nên tên tuổi trên bản đồ du lịch cho Phú Yên, hay “Tết ở làng Địa Ngục” hay series ăn khách “Kẻ ăn hồn” thu hút một làn sóng khách du lịch ưa khám phá đến với ngôi làng Sảo Há xa xôi ở huyện Đồng Văn, Hà Giang. Mới nhất, bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” đem đến những thước phim đẹp về huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và câu chuyện văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.

Những tác phẩm quốc tế như The Creator (2023), “Kong: Skull Island” (2017) hay Life (2017), Pan (2015)… từng lấy bối cảnh ở vịnh Hạ Long. Điều này cho thấy sức hút của thiên nhiên Việt Nam trong mắt các nhà làm phim quốc tế.

Tuy nhiên, để hiệu ứng điện ảnh thúc đẩy quảng bá du lịch, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng cần nâng cao sức hấp dẫn để thu hút các nhà làm phim. Phục vụ cho công tác xúc tiến phát triển điện ảnh, cuối năm 2023 lần đầu tiên Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI) được xây dựng tại Việt Nam. Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam đã xây dựng PAI dựa trên 5 tiêu chí: Hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thực địa, hỗ trợ thủ tục pháp lý, hạ tầng sẵn có. Phú Yên là địa phương đầu tiên thí điểm áp dụng Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI.

Một số địa phương như Khánh Hòa, TPHCM đang quan tâm đầu tư phim trường chuyên nghiệp để phát triển thị trường điện ảnh. Đây là tín hiệu tích cực, để hướng tới một tương lai Việt Nam vừa có thể phát triển điện ảnh, vừa có thể phát triển du lịch thông qua những phim trường như câu chuyện thành công của nhiều nước khác.

Một báo cáo “Xu hướng Du lịch” của Expedia ghi nhận 2/3 du khách toàn cầu cân nhắc việc du lịch dựa trên cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Nhiều nước phát triển đã thành công với các dự án phát triển song song cả điện ảnh lẫn du lịch. Trung Quốc có phim trường Hoành Điếm, Vô Tích được đầu tư hàng trăm triệu USD; Mỹ nổi tiếng với Universal Studios Hollywood thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm vừa là phim trường, vừa là công viên giải trí…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật