A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vấn đề của U22 Việt Nam không chỉ là dứt điểm

Dứt điểm kém được chỉ ra là nguyên nhân dẫn đến thất bại của U22 Việt Nam trước U22 Trung Quốc, nhưng vấn đề sẽ không dừng lại ở đó.

Vấn đề của U22 Việt Nam không chỉ là dứt điểm

U22 Việt Nam đã chơi khá tốt trước U22 Trung Quốc, nhưng vẫn cần cải thiện nhiều điều. Ảnh: VFF

U22 Trung Quốc không quá mạnh

Tại giải giao hữu CFA Team China 2024, Đội tuyển U22 Việt Nam ra quân với trận thua 1-2 trước U22 Trung Quốc. Với bàn thua quyết định đến ở phút 89, lại xảy ra ngay sau khi Đình Bắc dứt điểm trúng cột dọc đội chủ nhà, hẳn nhiên, trận thua này là điều đáng tiếc. Tiếc là bởi, trong trận đấu các học trò của quyền huấn luyện viên trưởng Đinh Hồng Vinh dứt điểm khá nhiều - trong đó có những pha bóng tốt, việc không giải quyết được trận đấu được chỉ ra là nguyên nhân chính.

Có một số pha phối hợp của U22 Việt Nam được đánh giá tốt, có ý đồ rõ ràng, nhưng cũng sẽ phải nhìn nhận thực tế hơn về một số khía cạnh khác. Trong điều kiện thời tiết khó chịu, sự khác biệt trong những ảnh hưởng tới 2 đội có lẽ không quá nhiều. Do đó, có thể thấy rằng, U22 Trung Quốc không quá mạnh.

Đó là lý do Thái Sơn và các đồng đội có không gian, thời gian để chơi bóng, phối hợp. Trong thế trận có tiết tấu vừa phải, sự bình tĩnh và chính xác là điều cần thiết. Về điểm này, nhiều lúc U22 Việt Nam không duy trì được. Các cầu thủ U22 Trung Quốc nhập cuộc nhanh và có bàn thắng sớm (phút 14), nhưng cũng bởi tăng tốc như vậy, họ mất sức khá nhanh để không tạo ra thêm nhiều cơ hội nguy hiểm.

Và khi xuống sức, ở trình độ không quá vượt trội, chính đội chủ nhà lại có những pha bóng lỗi để U22 Việt Nam có bàn gỡ hòa (của Quốc Việt cuối hiệp 1) và “tặng” cơ hội rất rõ rệt ở cuối trận.

Cảm giác tiếc nuối đến ở một số pha dứt điểm “có nét” của Quốc Việt, Châu Phi, Xuân Bắc, cú đánh đầu của Ngọc Sơn, hay cú cứa lòng chệch khung thành trong gang tấc của Đình Bắc, nhưng nhìn lại, có thể thấy hàng thủ U22 Trung Quốc cũng không thực sự chất lượng để ngăn U22 Việt Nam chơi bóng.

Khó hơn trước U22 Uzbekistan

Tỉ số hòa 1-1 với U22 Trung Quốc có lẽ sẽ đẹp và xứng đáng hơn cho U22 Việt Nam, nhưng thất bại cũng lại giúp đội rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn. Đương nhiên, hiệu chỉnh khâu dứt điểm - cũng chính là hiệu chỉnh yếu tố tâm lý, thể lực, chắc chắn phải làm, nhưng đồng thời, khi hướng về trận tiếp theo gặp U22 Uzbekistan - đội thắng 2-0 trước U22 Malaysia ở lượt trận mở màn.

Bóng đá trẻ Uzbekistan chất lượng thế nào thì khỏi phải bàn thêm và các đội trẻ Việt Nam thường thua khi đối đầu. Vậy nên, câu hỏi đặt ra và cần phải trả lời - hoặc ít nhất là hình dung được, về trận đấu tiếp theo với U22 Uzbekistan.

Thứ nhất, giờ thi đấu được sắp xếp sớm hơn khoảng 4 tiếng so với trận gặp U22 Trung Quốc (nghĩa là vào lúc 15h30 - giờ địa phương). Trong điều kiện thời tiết hiện tại, sự chuẩn bị về thể lực cho các cầu thủ như thế nào, ban huấn luyện có phương án để thay đổi, điều chỉnh ra sao?

Thứ hai, U22 Uzbekistan được đánh giá chất lượng hơn, liệu họ có để cho U22 Việt Nam có không gian để chơi bóng hay không. Nếu không, chiến thuật cần thiết là gì? Và khi đó, dĩ nhiên sẽ không có nhiều cơ hội để dứt điểm như trận đấu với U22 Trung Quốc.

Thứ ba, gặp đối thủ mạnh hơn, chơi ban chuyền và di chuyển tốt, sai sót với U22 Việt Nam cũng vì thế mà xuất hiện, buộc các cầu thủ phải rèn luyện về tâm lý cũng như sức chịu đựng. Đôi khi, chỉ một hành động, một thái độ có phần tiêu cực, sự sụp đổ sẽ mang tính dây chuyền. Khi huấn luyện viên Hồng Vinh nói rằng, giải đấu này để cọ xát và “tìm nhân tố nổi bật”, mỗi cầu thủ đều cần thể hiện được mình ở cả góc độ cá nhân lẫn tập thể…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan