Vẻ đẹp di sản thăng hoa trong minishow Chiều cuối năm
Minishow Chiều cuối năm bắt nguồn từ một ý tưởng mang thông điệp nhân văn về du lịch văn hóa, lan tỏa những nét đẹp của di sản truyền thống.
Chiều 5.1, minishow Chiều cuối năm diễn ra tại khu tập thể số 6 Tông Đản (Hà Nội), trong một ngôi nhà được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ 20.
Gần 50 năm qua, ngôi nhà đã lưu giữ những dấu mốc lịch sử của Hà Nội. Ở đó lưu dấu ký ức, hoài niệm về một thời không quên.
Trong không gian hoài niệm, minishow Chiều cuối năm vang lên những làn điệu xẩm da diết, mang đến những tà áo ngũ thân thấm đẫm câu chuyện văn hóa. Đó là nơi để những người làm văn hóa, du lịch, di sản trải lòng trong hành trình vươn tới những ước mơ.
Sự kiện có chủ đề Du lịch di sản vươn mình lồng ghép những phần trình diễn đặc biệt, như trình diễn ca trù trong không gian trà đạo, trình diễn áo dài trên nền nhạc ca trù.
Tại buổi talkshow, khách du lịch có cơ hội đưa quan điểm, đánh giá về các loại hình nghệ thuật mà họ vừa thưởng thức. Các chuyên gia, người làm trong lĩnh vực văn hóa, di sản, du lịch cũng đưa ra những ý kiến, giải pháp để thúc đẩy du lịch di sản phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chia sẻ tại sự kiện, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết bước phát triển tiếp theo của du lịch di sản không đâu xa mà ở xung quanh cuộc sống.
Ví dụ, những căn nhà cổ cũng có giá trị lịch sử, chứa đựng ký ức của mỗi gia đình. Cách tiếp cận bảo vệ di sản cũng cần mở rộng, không chỉ bảo tồn những giá trị cổ mà phải gìn giữ chính những căn nhà, kiến trúc, di sản xung quanh. Từ đó, người trẻ và khách du lịch có thể hiểu rằng Hà Nội thời bao cấp có cuộc sống, lao động sản xuất như thế nào.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, nghệ sĩ hát xẩm Thu Phương cũng bày tỏ nỗi lòng muốn đưa hát xẩm đến với rộng rãi người dân, đặc biệt là giới trẻ. Chị và những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm đã từng kết hợp, biến tấu hát xẩm kết hợp với các loại hình âm nhạc hiện đại để làm mới bộ môn truyền thống này.
"Trong quá trình hình thành và phát triển các loại hình âm nhạc dân gian, cần có sự vun đắp từ những thể loại khác nhau. Vì vậy, hát xẩm hoàn toàn có thể kết hợp với những chất liệu âm nhạc hiện đại để gần gũi với giới trẻ hơn, lan tỏa được rộng hơn. Tiếng hát xẩm như một bài vè có tiết tấu, giai điệu, có nhiều nhạc cụ đi kèm tạo ra những âm thanh rộn rã, vui tai.
Tôi luôn cảm thấy tự hào và ý thức được trách nhiệm của mình với nghề truyền thống mà cha ông truyền lại. Tôi cũng mong muốn có thể quảng bá, lan tỏa và truyền lửa được cho nhiều bạn trẻ để nối dài lịch sử âm nhạc dân gian", nghệ sĩ Thu Phương tâm sự.
Riêng ở Hà Nội, đã có vài dòng xẩm được lưu truyền đến nay, như xẩm Hà Nội, xẩm tàu điện, xẩm nhà trò... Các bài xẩm lồng ghép nhiều tình tiết và trạng thái cảm xúc, có câu chuyện cụ thể, đôi khi được kể ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba, khiến các bài xẩm có sắc thái rất đa dạng.
Cũng tại sự kiện, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình đánh giá cao các thiết kế áo dài được trình diễn và nỗ lực đem di sản áo dài lan tỏa từ trong nước đến bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Bình khẳng định áo dài đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Mỗi mùa Tết, càng có thêm nhiều người dân mặc áo dài đi chơi xuân, tạo nên hình ảnh đẹp. Dù vậy, chuyên gia khẳng định người dân cũng cần chú ý may đo, chọn các thiết kế áo dài cho chuẩn, không xa rời vẻ đẹp nguyên bản của áo dài.