A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần có những thể chế rõ ràng thúc đẩy liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung

Liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung bước đầu phát huy hiệu quả. Cần có những thể chế rõ ràng về liên kết vùng để thúc đẩy toàn vùng phát triển.

Liên kết vùng bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội

Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung gồm tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định.

Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Cần có những thể chế rõ ràng thúc đẩy liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
GRDP tỉnh Quảng Nam tăng trưởng cao nhờ vai trò quan trọng của Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó Thaco Trường Hải đã góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô cơ khí Việt Nam (Ảnh: Sản xuất tại Thaco Trường Hải)

Để thực hiện các mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định, quy chế, chỉ thị nhằm tổ chức, vận hành và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm, trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

Các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các địa phương thuộc vùng Duyên hải miền Trung cũng đã đồng thuận thành lập bộ máy tổ chức vùng Duyên hải miền Trung; Thành lập được Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Các địa phương thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tổ chức thực hiện liên kết phát triển tiểu vùng và vùng theo 6 lĩnh vực trọng tâm; phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để đánh giá thực trạng, bàn giải pháp về liên kết phát triển vùng.

Từ những liên kết bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội các thành viên trong vùng. Đặc biệt là những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế.

Trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Trong đó, Thành phố Đà Nẵng tăng trung bình 12,05%/năm; GRDP Quảng Nam tăng trung bình 11,58%/năm. Tỉnh Quảng Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhờ vào vai trò quan trọng của khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải đã góp phẩn phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam, tạo ra một số sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tỉnh Thừa Thiên Huế tăng trưởng bình quân 9,7%/năm. Tỉnh Quảng Ngãi có GRDP tăng trưởng 11,19%/năm, nhờ vào đóng góp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ năm 2009. Tỉnh Bình Định có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,73%/năm.

Cần có những thể chế rõ ràng thúc đẩy liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
GRDP của các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2001 - 2019 tăng bình quân 10,25%/năm (Ảnh: Một góc thành phố Đà Nẵng)

Vẫn còn nhiều hạn chế trong liên kết vùng

Mặc dù đã có những kết quả bước đầu, tuy nhiên, thực tiễn phát triển cho thấy kinh tế của vùng chưa bền vững, quy mô nền kinh tế vùng còn tương đối nhỏ, chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Quy mô GRDP toàn vùng chiếm 7,09% GDP cả nước (năm 2019). Đóng góp kinh tế của vùng trong nền kinh tế quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế động lực. Một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn, tăng trưởng theo các năm nhưng về cơ bản kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét…

3/5 địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có thu ngân sách điều tiết về ngân sách trung ương gồm Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, các thỏa thuận liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn mang tính hình thức, hành chính, chưa có phối hợp thực chất. Liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu và thiếu hiệu quả. Các hoạt động liên kết theo ngành, lĩnh vực sản xuất chưa phát huy hiệu quả. Kết nối về đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. kết nối về đào tạo và sử dụng lao động chưa có trọng tâm, chưa đáp ứng quy mô của vùng. kết nối về khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông còn khiêm tốn. Chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu chung. Nguồn lực phục vụ các hoạt động còn hạn chế.

Cần có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh

Đại diện lãnh đạo các địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong Nhóm tư vấn, Tổ điều phối vùng cho rằng hiện chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả.

Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng sau một thời gian đầu hoạt động hiệu quả thì ngày càng rời rạc, bộc lộ những khó khăn, hạn chế, chưa thực sự phát huy được hiệu quả cao như mục tiêu đề ra.

Cần có những thể chế rõ ràng thúc đẩy liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Ngày 01/7, tại tỉnh Quảng Nam sẽ diễn ra Hội nghị Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới” (Ảnh: Cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam)

Thiếu cơ chế có hiệu quả và hiệu lực để triển khai các cam kết hợp tác và liên kết; thiếu cơ chế tài chính cho hoạt động liên kết vùng; và thiếu một cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan điều phối trong vùng. Cơ chế chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa các địa phương khi có nguồn thu, chi phí từ các hoạt động liên kết chưa được Luật hóa, hiện Luật Ngân sách Nhà nước phân cấp cho mỗi địa phương nguồn thu và nhiệm vụ chi dẫn tới cạnh tranh giữa chính quyền các địa phương trong việc “thu hút”, “lôi kéo” các dự án đầu tư, hạ tầng để phát triển địa bàn mình nhằm tăng thu, thay vì liên kết để cùng hưởng lợi. Với hình thức liên kết tự nguyện, do thiếu quy định pháp lý về chia sẻ lợi ích cho ngân sách mỗi tỉnh dẫn tới giảm động cơ liên kết, phối hợp.

Các Thỏa thuận hợp tác/Khung hợp tác/Tầm nhìn chiến lược liên kết vùng, tiểu vùng thiếu cụ thể, chưa đề cập tới. Việc chỉ dừng ở thỏa thuận mà không được nâng lên thành hợp đồng kinh tế, có tính ràng buộc về lợi ích và trách nhiệm cụ thể hoặc đưa vào nghị quyết Hội đồng nhân dân.

Góp phần hoàn thiện Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, đồng thời tìm ra những giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhằm giải quyết nút thắt phát triển của khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, ngày 01/7 tới, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW sẽ phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm Khoa học “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết và đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trì Hội nghị.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan