Phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Ngày 1/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã có buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa. Cùng dự có Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú và lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian lắng nghe ý kiến của Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc, Như Xuân cùng đại diện Tỉnh đoàn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa. Các ý kiến đại biểu đã nêu bật những kết quả, thành tựu đạt được, những bài học kinh nghiệm và những khó khăn, vướng mắc, thách thức nhằm đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của NHCSXH.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Báo cáo điểm lại kết quả hoạt động Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, công tác tín dụng chính sách xã hội luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Thanh Hóa, hoạt động của NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định là công cụ hữu hiệu của cấp ủy và chính quyền địa phương góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, đồng thời cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thành công các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc |
Đến ngày 31/3/2022, tổng số thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp là 851 thành viên, trong đó, Ban đại diện HĐQT tỉnh có 13 thành viên, Ban đại diện HĐQT cấp huyện có 838 thành viên. Trong quá trình hoạt động, Ban đại diện HĐQT các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho NHCSXH; chỉ đạo kịp thời các ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền địa phương phối hợp với NHCSXH triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chủ trương chính sách, Nghị quyết.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc NHCSXH một lần nữa khẳng định tính ưu việt, sáng tạo của mô hình NHCSXH. Đây cũng là một mô hình rất đặc thù, đặc biệt, riêng có của Việt Nam đã phát huy được vai trò rất quan trọng và hiệu quả đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là mục tiêu giảm nghèo, điển hình là tại Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị |
Từ thực tiễn và kết quả triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: tín dụng chính sách mà nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại NHCSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn, là trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương trong tỉnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị, cùng với các ý kiến của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, đại diện Tỉnh đoàn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, và các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân… đã trình bày các tham luận, đánh giá hiệu quả của mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hiện nay tại NHCSXH và vai trò chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT trong việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.
Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa phát biểu |
Kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của hoạt động tín dụng chính sách tại Thanh Hóa, đồng thời thay mặt Ngân hàng Nhà nước, HĐQT NHCSXH bày tỏ cảm ơn lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho NHCSXH tỉnh Thanh Hóa trong suốt quá trình hoạt động. Thống đốc cũng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên NHCSXH cũng như những thành tích trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần to lớn vào thành công chung của tín dụng chính sách trên phạm vi cả nước.
Để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được, phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, Thống đốc đề nghị Ban Đại diện NHCSXH tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, tồn tại, nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng.
Thống đốc cũng đề nghị các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội: tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác nhận ủy thác của NHCSXH; tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
Tại buổi làm việc, Công đoàn NHCSXH đã trao tặng 1 tỷ đồng an sinh xã hội, xây dựng điểm trường tiểu học thôn Phống, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa |
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, khách quan; theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế đối với tín dụng chính sách, Thống đốc đề nghị Ban điều hành NHCSXH tiếp tục rà soát, chủ động làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế về tín dụng chính sách xã hội để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở cho việc hướng dẫn các chi nhánh tổ chức thực hiện.
Với tinh thần chỉ đạo sát sao, quyết liệt và nỗ lực trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, Thống đốc bày tỏ tin tưởng về sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Uỷ ban nhân dân, Ban Đại diện Hội đồng quản trị tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp ngày càng to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước nói chúng và bảo đảm an sinh xã hội nói riêng.
Đến ngày 31/3/2022, tổng nguồn vốn tín dụng tại NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 11.176 tỷ đồng, tăng 344 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 406 tỷ đồng tăng 54,6 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 3,66% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ước đạt 11.127 tỷ đồng, tăng 337 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 3,1% với gần 245 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, chiếm khoảng 24,5% tổng số hộ dân trong tỉnh. Nợ quá hạn: 12 tỷ đồng, chiếm 0,11%/tổng dư nợ. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội được triển khai thông qua 559 Điểm giao dịch xã, với 6.660 tổ Tiết kiệm và vay vốn đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. |