A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực cán bộ đáp ứng nhu cầu trong môi trường quốc tế

Hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” có ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn khoa học lý luận chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Chiều 13/10, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo 18 tỉnh, TP khu vực miền Nam và các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có năng lực hội nhập quốc tế, trước hết là khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm đạt được những mục tiêu hội nhập trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, khó lường. Xu hướng toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh và điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Trong bối cảnh đó, một bộ phận đội ngũ cán bộ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng cán bộ cấp chiến lược và đã coi trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đối với đội ngũ cán bộ công chức nói chung và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.

Nghị quyết cũng đã xác định các mục tiêu, yêu cầu, lộ trình cụ thể về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng những nội dung về nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Mục đích của Hội thảo lần này nhằm làm sáng tỏ nội hàm các khái niệm và các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, từ đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Quang cảnh buổi Hội thảo chiều 13/10.

Quang cảnh buổi hội thảo chiều 13/10.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng bàn luận chi tiết hơn về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc tham mưu xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, chuẩn bị nguồn cán bộ đương chức và tương lai để cử đi đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đối tượng, tiêu chuẩn cán bộ gắn với năng lực làm việc, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ chế thu hút, trọng dụng cán bộ trẻ tài năng, chuyên gia, nhà khoa học có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế... Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cả trước mắt và lâu dài. Đó là nhu cầu tất yếu, tự thân của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhận định, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định khâu đột phá đầu tiên là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế…”.

Thực hiện khâu đột phá này, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”.

Trong đó, có xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, cụ thể, đến năm 2030, có 25 - 35% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố từ 70 - 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan