A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định hoạt động đại lý thanh toán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định hoạt động đại lý thanh toán, trong đó nêu rõ các nội dung hoạt động đại lý thanh toán.

lai-suat-ngan-hang.jpg

Theo dự thảo, bên giao đại lý được giao cho bên đại lý nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán.; nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng.

Bên giao đại lý cũng được giao cho bên đại lý tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch: Nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại bên giao đại lý; Nộp tiền mặt vào thẻ trả trước định danh của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; Nộp tiền mặt để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; Thực hiện dịch vụ thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.

Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu thanh toán của khách hàng thì bên đại lý xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng và thực hiện chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý trừ trường hợp xảy ra sự cố hệ thống thông tin.

Về hạn mức giao dịch, dự thảo nêu rõ bên giao đại lý phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch của bên đại lý là tổ chức khác, gồm hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày. Bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý của bên đại lý mở tại bên giao đại lý theo quy định và mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Hạn mức giao dịch của bên đại lý là ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý.

Về hoạt động của bên giao đại lý và bên đại lý, theo Dự thảo, việc thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô phải phù hợp với nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của cấp có thẩm quyền quyết định và văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép, Quyết định (nếu có).

Dự thảo cũng nêu rõ, việc thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý của ngân hàng chính sách phải phù hợp với quy định của Chính phủ. Quỹ tín dụng nhân dân được làm đại lý cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó; tổ chức tài chính vi mô được làm đại lý cho ngân hàng đối với khách hàng của tổ chức tài chính vi mô đó. Tổ chức khác là doanh nghiệp thành lập hợp pháp và không có dư nợ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại vào nhóm nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được làm đại lý theo thỏa thuận với bên giao đại lý. Tổ chức khác chỉ được làm đại lý cho 1 bên giao đại lý.

Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ các nguyên tắc thực hiện hoạt động đại lý thanh toán; các nội dung quy định trong hợp đồng hoạt động giao đại lý thanh toán; quyền và nghĩa vụ của cả bên giao đại lý và bên đại lý và trách nhiệm báo cáo, tổ chức thực hiện của các bên liên quan cũng như điều khoản thi hành.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật