A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên ngân hàng

Cần xác định rõ vai trò quản lý thị trường vốn đáng chú ý là trái phiếu DN, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi thị trường vốn có vấn đề thì tất cả các áp lực lại đổ sang thị trường tiền tệ như thời gian qua.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về dự thảo sửa đổi, bổ sung (lần 5) Nghị định 153/2020/NĐ-CP với nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN. Chẳng hạn như quy định DN không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác hoặc cho DN khác vay vốn; hay quy định nhà đầu tư có quyền yêu cầu DN phát hành trái phiếu phải mua lại trái phiếu trước hạn trong trường hợp phát hiện DN phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành hoặc cam kết với nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhà phát hành cũng phải tuân thủ chặt các điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính: tổng dư nợ của tất cả các loại trái phiếu không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có kết quả kinh doanh của năm trước liền kề có lãi…

phat trien thi truong von giam ap luc len ngan hang

Dự thảo cũng đưa ra điều kiện chặt chẽ hơn về nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như yêu cầu chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp...

Theo đánh giá của chuyên gia SSI, bản dự thảo sửa đổi lần thứ 5 đề cao tính minh bạch và chống lại các rủi ro gian lận trong quá trình phát hành trái phiếu. Tuy nhiên các quy định như trong dự thảo sửa đổi lần thứ 5 sẽ khiến cho kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu riêng lẻ khó khăn hơn trước. Mà bản chất hoạt động của thị trường trái phiếu DN vẫn phải dựa trên nguyên tắc lợi nhuận – rủi ro đem lại.

Thống kê của SSI, số trái phiếu DN đáo hạn trong 2 năm 2022-2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng và chiếm khoảng 36% lượng trái phiếu DN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các DN khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu phát hành trái phiếu DN dự kiến vẫn rất dồi dào.

Theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa - với các DN nhất là DN bất động sản, phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng hơn cả ngân hàng. Việc siết chặt thị trường này trong khi khoảng 540 nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn, mà cách làm không phù hợp có thể gây khó khăn cho DN.

“Bộ Tài chính đang chuẩn bị chương trình thanh tra nhiều công ty kiểm toán và công ty chứng khoán. Theo tôi, đáng lẽ, cơ quan chức năng phải rà soát thường xuyên để biết “bệnh” thị trường và có giải pháp kịp thời”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Việc xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật không có gì bàn cãi, nhưng một chuyên gia kinh tế cho rằng, cách mà các cơ quan quản lý siết lại hoạt động mua bán trái phiếu DN có thể làm nguội lạnh thị trường vốn vẫn đang còn đầy tiềm năng. “Đáng lẽ, khi phát hiện ra tiêu cực, bộ phải xử lý ngay doanh nghiệp vi phạm, chứ không phải đến khi vỡ lở mới siết mạnh tay toàn thị trường. Theo tôi, cần có quy định cụ thể hơn nữa để quy định trách nhiệm giám sát, quản lý của cơ quan này với thị trường trái phiếu, song song với đó phải tìm mọi cách hỗ trợ thị trường”, vị này chia sẻ quan điểm.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, hiện việc phát hành trái phiếu khó khăn, trong khi thị trường chứng khoán chưa ổn định dẫn đến các DN khó khăn huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, hệ quả là trách nhiệm cung cấp vốn cho nền kinh tế đang dồn sang vai ngành Ngân hàng. Do vậy, cần xác định rõ vai trò quản lý thị trường vốn đáng chú ý là trái phiếu DN, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi thị trường vốn có vấn đề thì tất cả các áp lực lại đổ sang thị trường tiền tệ như thời gian qua.

Mặc dù ngành Ngân hàng không có chức năng quản lý thị trường vốn, nhưng những biến động trên thị trường này lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Ví như, cơ chế chính sách cho trái phiếu DN không phải do ngành Ngân hàng ban hành nhưng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khi họ thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản bảo đảm… Vậy nên TS. Hùng kiến nghị, cần phải tách bạch rõ để ngân hàng làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

“Ngành Ngân hàng Việt Nam hiện đang khác với các nước khác trên thế giới, đó là kiêm cả 2 vai: ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Do đó, việc bơm vốn ra thị trường với liều lượng ra sao để không tạo áp lực lạm phát là một bài toán với ngành Ngân hàng. Bây giờ khi DN khó khăn lại đổ lỗi ngân hàng không cho vay là không đúng. Hay khi thị trường vốn khó khăn lại đổ cho ngân hàng không nới room để cho vay… Cần phải nhìn thẳng vào chức năng và nhiệm vụ của ngành Ngân hàng để có cái nhìn thấu đáo hơn”, TS. Hùng chia sẻ quan điểm.

Trên thực tế, giới chuyên môn nhận thấy rằng, thị trường trái phiếu DN cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn, góp phần giảm sự phụ thuộc của DN vào tín dụng ngân hàng, do vậy việc phát triển thị trường trái phiếu DN là cần thiết.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường trái phiếu DN vào khoảng 18% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là dư nợ thị trường trái phiếu DN đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025.

Nguyễn Vũ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật