A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 8.200 tỷ, khẳng định không có rủi ro từ tín dụng BĐS hiện tại

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HOSE:TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, trong đó thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 36% so với năm 2021, đạt 8.200 tỷ đồng.

Mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 36%

Chia sẻ trước cổ đông, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết trong năm 2021, TPBank đã vượt qua nhiều thách thức và sức ép từ thị trường, băng qua nhiều giới hạn và hoàn thành vượt mức các chi tiêu kinh doanh trọng yếu đã được ĐHĐCĐ thông qua hồi đầu năm. 

Cụ thể, năm 2021, TPBank báo cáo kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020. Tổng tài sản đạt 292.827 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên hơn 15.818 tỷ đồng, trong đó vốn tự có đạt 25.987 tỷ đồng. Tổng huy động đạt 262.385 tỷ đồng. 

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, chỉ 0,81%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên gần 160%. 

Trong năm vừa qua, TPBank cũng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng 27%, CASA đạt 23,3%. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,61%, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) đạt 33,82%.

TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 8.200 tỷ, khẳng định không có rủi ro từ tín dụng BĐS hiện tại - Ảnh 1

Năm nay, với định hướng phát triển toàn diện, trở thành ngân hàng thương mại đa năng, hoạt động hiệu quả bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; ĐHĐCĐ thường niên của TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 36% so với năm 2021, đạt 8.200 tỷ đồng. 

Nói về cơ sở đặt mục tiêu lợi nhuận như vậy, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết: “Việc trông chờ lợi nhuận tăng lên từ hoạt động kinh doanh thuần trong năm nay không nhiều do ta chỉ đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 18%, lãi suất cho vay thì không tăng được nhiều bởi vì trong thời gian qua, NHNN cũng như Chính phủ luôn luôn kêu gọi giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế sau giai đoạn khó khăn vừa rồi. Hơn nữa để đảm bảo cạnh tranh với các ngân hàng khác thì ta không thể nào tăng lãi suất mãi được".

Như vậy, theo ông Nguyễn Hưng, chỉ có 3 cách để TPBank tăng lợi nhuận trong năm nay: tiết kiệm chi phí hoặc tăng thu nhập ngoài lãi từ các sản phẩm không phải tăng tín dụng và cuối cùng là thay đổi cơ cấu vốn huy động, huy động vốn giá rẻ để hạ giá vốn bình quân để duy trì lợi nhuận biên’.

“Mặc dù đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ 18% nhưng kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của chúng ta năm nay lên tới 36%. Chúng tôi dự định đặt một mục tiêu thách thức hơn, tuy nhiên trong điều kiện thị trường nhiều thách thức, thì mức tăng 36% là mục tiêu tối thiểu mà ban điều hành cam kết với cổ đông”, ông Nguyễn Hưng nói thêm.

Một số mục tiêu kinh doanh khác được trình bày tại Đại hội đồng cổ đông sáng 26/4 của TPBank bao gồm tổng tài sản đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Tổng giá trị huy động đạt 292.579 tỷ, tương đương tăng 12%, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 15% và đạt mức trên 201 nghìn tỷ đồng. Dư nợ dự kiến đạt 188.800 tỷ đồng, trong mức quy định cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát ở mức thấp dưới 1,5%. ROE mục tiêu là 22,41%; CIR mục tiêu 35%. 

Đặc biệt, TPBank cũng cho biết trong năm 2022 sẽ chú trọng việc nâng tỷ lệ CASA nhằm giảm chi phí vốn, gia tăng NIM để tăng thêm hiệu quả kinh doanh và tăng cường kiểm soát, thu hồi, xử lý nợ xấu. 

Tăng vốn điều lệ lên 21.142 tỷ đồng

Cũng tại hội nghị, TPBank đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.325 tỷ đồng thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông và chương trình cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, bằng kế hoạch phát hành tổng cộng hơn 532 triệu cổ phiếu, TPBank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 15.817 tỷ đồng lên 21.142 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành. Đợt 1 phát hành 527 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1; đợt 2 phát hành thêm 52,7 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Số cổ phiếu này sẽ không được chuyển nhượng với các cán bộ cấp cao như thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát và Tổng Giám đốc, bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm với các cổ đông còn lại.

Tín dụng cho đầu tư bất động sản chỉ chiếm 6% dư nợ, không gây rủi ro cho TPBank

Trong phần thảo luận với cổ đông, cổ đông gửi tới ban quản trị TPBank câu hỏi việc siết tín dụng bất động sản ảnh hưởng ra sao đến TPBank trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Minh Phú khẳng định việc cho vay bất động sản của ngân hàng luôn theo đúng chỉ đạo của NHNN. Nếu tính tín dụng cho đầu tư bất động sản tại TPBank thì tỷ lệ cho vay đầu tư bất động sản hiện ở dưới 6% dư nợ tín dụng. Trong đó, các dự án BĐS hoặc khách hàng vay đều có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi và được thẩm định kỹ càng. Ông Phú khẳng định cho tới thời điểm hiện tại, các khoản vay tín dụng bất động sản sẽ không gây rủi ro nào cho ngân hàng.

(tiếp tục cập nhật)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật