Triển khai khẩn cấp bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch
TP Hà Nội đã quyết định triển khai khẩn cấp công tác bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch; giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án; đến 2/9/2025 phải hoàn thành.
Sáng 2/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra tình hình xử lý nước sạch tại sông Tô Lịch. Ảnh: Viết Thành |
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nhằm mục tiêu cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng đầu tư phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.
Quy mô thực hiện dự án, xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên phạm vi lưu vực (S2) khoảng 4.874ha bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày - đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, quận Hà Đông và khu đô thị mới) với tổng chiều dài cống các loại khoảng 41,362km, đường kính từ 400mm - 2.400mm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra tại Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Viết Thành |
Dự án triển khai thực hiện từ năm 2019 với 4 gói thầu xây lắp chính. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai, dự án đã gặp rất nhiều khó khăn. Thành ủy, UBND TP cùng các sở, ngành, đã vào cuộc tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại.
Đến nay, gói thầu số 1 (xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xácông suất 270.000m3/ngày - đêm), ngày 1/12/2024, đã bắt đầu tổ chức vận hành thử theo giấy phép môi trường được duyệt.
Gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính), khối lượng hoàn thành đến nay đạt khoảng 98% so với hợp đồng. Trong đó đã hoàn thành 100% toàn bộ tuyến ống và đã dẫn nước thải về nhà máy từ 29/5/2024. Hiện đang thực hiện các bước hoàn trả mặt bằng, dự kiến hoàn thành toàn bộ gói thầu trong năm 2024. Ban Quản lý dự án đang chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công hoàn thành trong tháng 12/2024.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra tại đập điều tiết Hồ Tây. Ảnh: Viết Thành |
Về gói thầu số 3 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ), do năng lực nhà thầu không đáp ứng, Ban Quản lý dự án đã báo cáo và được thành phố chấp thuận chấm dứt hợp đồng từ tháng 11/2023. Ban Quản lý dự án đã tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công và thực hiện các thủ tục thu hồi tạm ứng theo quy định; đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh nguồn vốn từ ODA sang ngân sách TP để bảo đảm tiến độ.
Gói thầu số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới), đã ký phụ lục hợp đồng gia hạn từ tháng 11/2023 và đã thi công trở lại ngoài công trường từ tháng 2-2024; đã thi công hoàn thành khoảng 22% khối lượng công việc. Ban Quản lý dự án đang tập trung đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Quang cảnh buổi làm việc tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Viết Thành |
Về công tác giải ngân, năm 2024, dự án được bố trí vốn 1.133 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân đạt 534,71 tỷ đồng (47,2%). Thực tế, cơ bản các khối lượng đã thi công hoàn thành bảo đảm việc giải ngân hết vốn năm 2024 được giao.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp cũng đề nghị TP xem xét 2 nội dung kiến nghị. Cụ thể, về xử lý bùn thải của dự án, để bảo đảm ổn định lâu dài hoạt động của nhà máy cũng như công tác xử lý bùn thải chung của TP, kiến nghị UBND TP xem xét chỉ đạo cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện ngay dự án xây dựng bãi phế thải thoát nước tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội (X16) hoàn thành trước năm 2030 (trước thời điểm Bãi bùn khu C Yên Sở đóng bãi). Về việc bảo đảm dòng chảy cho sông Tô Lịch, kiến nghị UBND TP xem xét chỉ đạo cơ quan có chức năng, nghiên cứu phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt; nghiên cứu phương án dẫn nước về sông Tô Lịch qua trạm bơm Liên Mạc theo quy hoạch… |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Thành |
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, năm 2022 và năm 2023 có những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được trong quá trình thực hiện dự án, nhưng bằng sự nỗ lực của các bên đã hoàn thành nhà máy số 1 đúng tiến độ, gói thầu số 2 tuy có chậm tiến độ nhưng cũng đã hoàn thành.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh mong muốn gói thầu số 3 và số 4 sẽ được triển khai bảo đảm tiến độ như đã cam kết.
Đối với công tác bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP cho biết lãnh đạo TP đã quyết định triển khai dự án khẩn cấp; giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công.
“Đến 2/9/2025, phải hoàn thành, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và lưu ý trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú ý phương án bảo vệ môi trường sinh thái, hệ sinh thái Hồ Tây bổ cập nước hồ về sông Tô Lịch.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ngày 27/11, Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, duy trì và phát huy giá trị của các dòng sông, trong đó có sông Hồng, sông Tô Lịch; xử lý triệt để toàn bộ nước thải của TP. Tổng Bí thư nhấn mạnh, vấn đề môi trường phải là trọng tâm. Trước mắt phải tập trung vào cải tạo sông Tô Lịch, đưa sông Tô Lịch trong xanh trở lại. Các dòng sông khác trong nội đô cũng phải làm như vậy... |