Xem xét chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% sang cho vay nhà ở xã hội: Vẫn lo tính khả thi
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét chuyển gói hỗ trợ 2% lãi suất trong chương trình phục hồi kinh tế sang cho vay nhà ở xã hội.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 2; thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước sớm báo Thủ tướng phương án phù hợp thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất với các khoản vay tại các tổ chức tín dụng trong khuôn khổ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế, ngành ngân hàng được giao triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất quy mô 40.000 tỷ đồng cho vay với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hai năm 2022 - 2023.
Báo cáo cập nhật của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, sau hơn một năm triển khai gói này mới giải ngân được 134 tỷ đồng đến hết tháng 2/2023, tức mới gần 0,34% tổng quy mô gói. Dự kiến năm nay gói này giải ngân được thêm 2.345 tỷ đồng, còn dư 37.521 tỷ đồng không tiêu hết.
Tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ khả năng giải ngân, đề xuất phương án điều chuyển chi hỗ trợ lãi suất sang hình thức, chính sách khác. Một trong số phương án được xem xét là chuyển sang cho vay nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét đây là giải pháp được cân nhắc trong bối cảnh giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất bị "tắc" vừa qua nhưng ông lo ngại tính khả thi.
Bởi, theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, việc thay đổi chính sách liên quan tới chương trình phục hồi kinh tế sẽ cần báo cáo, xin ý kiến Quốc hội trong khi thời gian thực hiện chỉ tới năm 2023. Thủ tục thay đổi chính sách lâu trong khi thời gian còn lại thực hiện gói hỗ trợ không nhiều, còn 9 tháng.
Chưa kể, hai chính sách có độ vênh về đối tượng, mức lãi suất hỗ trợ, nên cũng "không dễ chuyển đổi". Và hiện lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 5% một năm, nhưng việc giải ngân rất chậm.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, vướng mắc chính của gói hỗ trợ 2% lãi suất là thủ tục, tâm lý e ngại từ chính người đi vay và sợ trách nhiệm của bên cho vay - các ngân hàng thương mại.
Trả lời cử tri Bình Thuận về phản ánh gặp khó khăn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ này.
Mặc dù đánh giá đây là chính sách mà ngành ngân hàng thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhất "từ trước tới nay", nhưng Ngân hàng Nhà nước thừa nhận kết quả thực hiện gói này thấp, chưa được như kỳ vọng.
Nguyên nhân do bối cảnh nền kinh tế đã khác so với khi đề xuất xây dựng chương trình phục hồi kinh tế. Mặt khác, tâm lý e ngại của khách hàng và ngân hàng thương mại với các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này cũng như e ngại khi đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.
Nếu khơi thông được điểm nghẽn chính sách, các chuyên gia kỳ vọng gói hỗ trợ 2% lãi suất sẽ giải ngân tốt hơn. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát nguy cơ tăng khiến doanh nghiệp đang rất cần vốn.
TP HCM: Chưa đến 2% người có nhu cầu vay được vốn nhà ở xã hội
Tại Hội nghị Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 ngày 10/3, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết cho biết trong 5 năm, TP HCM có 18.000 người cần vay vốn nhà ở xã hội để mua hoặc xây nhà, nhưng chỉ 310 người được vay, đạt khoảng 1,7% tổng số người có nhu cầu.
Vị này nhìn nhận người mua nhà ở xã hội (NOXH) rất khó tiếp cận và hầu như không được hưởng gói chính sách liên quan. Do đó, họ phải vay từ nguồn khác với giá thương mại, lãi vay cao hơn.
Nhiều người có nhu cầu nhưng không vay được vốn nhà ở xã hội, lãnh đạo Sở Xây dựng giải thích rằng hầu hết không đáp ứng đủ các điều kiện được đưa ra.
Cụ thể, người lao động thường không đảm bảo nguồn vốn tự có, khoảng 30% đối với xây hoặc sửa nhà; lao động là người ngoại tỉnh không có hộ khẩu thường trú để vay vốn xây mới, sửa nhà để ở; không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Bên cạnh đó, mức vay để xây mới, sửa nhà ở tối đa là 500 triệu đồng và phải thế chấp quyền sử dụng đất. Trong khi với điều kiện tương tự, vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại được hưởng mức cao hơn, đủ tiền để xây dựng cho nhiều nhu cầu như vừa để ở, vừa cho thuê. Do đó, nhiều người chọn vay vốn từ ngân hàng thương mại.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết kể từ năm 2018, TP bắt đầu phân bổ vốn cho vay đối với các đối tượng thuộc chính sách vay thuê, thuê mua, sữa chữa, xây mới nhà để ở với lãi suất khoảng 4,8% thời hạn 25 năm.
Kết quả sau 5 năm, doanh số cho vay đạt khoảng 151 tỷ đồng cho 300 khách hàng, bình quân 500 triệu đồng/khách hàng.
Theo ông Lệnh, chương trình này đã mang lại lợi ích thiết thực, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn ít người tiếp cận được vốn vay vì đối với nhà ở xã hội, với mức cho vay 70-80% tổng giá trị căn hộ thì sẽ khó khăn cho người có thu nhập thấp, để mua được thì số tiền ban đầu người vay phải có ít nhất 200 triệu đồng là không dễ dàng. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế.
Ông Lệnh cho rằng về giải pháp lâu dài, chúng ta nên có chính sách cho thuê nhà ở xã hội chứ không chỉ là phải mua và sở hữu nhà ở xã hội.