A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Doanh nghiệp rất cần nhưng phần lớn... chưa tiếp cận

Dù chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích qua việc nâng cao tính minh bạch, đáng tin cậy cho báo cáo tài chính nhưng trên thực tế chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin về IFRS.

IFRS đã được áp dụng tại hơn 120 quốc gia

Hiện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được sử dụng ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Liên minh châu Âu nhằm bảo đảm báo cáo tài chính minh bạch và nhất quán.

Tuy vậy, Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia trên thế giới chưa áp dụng IFRS, mới chỉ áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam - Vietnam Accounting Standards (VAS).

Năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345 phê duyệt Đề án "Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam", hướng đến việc áp dụng IFRS và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam mới (VFRS). Quá trình chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS dự kiến sẽ áp dụng bắt buộc sau năm 2025.

Tại hội thảo “Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và thực tiễn thanh tra kiểm tra thuế hiện nay” ngày 7/8 tại Hải Dương, TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, thuế và công tác kế toán là nhu cầu đầu tiên sát sườn và rất cần thiết nếu DN nói chung và DN tại các khu công nghiệp (KCN) nói riêng muốn thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA).

“Do đó, hội thảo đầu tiên trong chuỗi hoạt động đào tạo của VIPFA chọn chủ đề về IFRS và thực tiễn thanh kiểm tra thuế nhằm hỗ trợ DN trong các KCN Đại An, KCN Đại An mở rộng và KCN Lai Cách của Công ty cổ phần Đại An ở Hải Dương”, ông Thắng chia sẻ.

Bà Tường Quỳnh Hương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại An cũng cho rằng, báo cáo kế toán thực sự sát thực, phục vụ cho cả lãnh đạo DN và đối tác là điều cần thiết với mỗi DN. Do vậy, các hoạt động đào tạo bài bản và liên tục về thuế và kế toán tương tự cũng sẽ được công ty thực hiện cho các DN trong hệ thống các KCN của mình, bảo đảm yêu cầu về tuân thủ pháp luật DN.

Nhấn mạnh lợi ích của việc áp dụng IFRS, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Giám đốc Đào tạo Trung tâm đào tạo AudiCare Việt Nam (ACV), kế toán trưởng một DN FDI cho biết, các báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế giúp DN tăng tính minh bạch thông tin, sự chuyên nghiệp và cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp thu hút nhà đầu tư và mở rộng cơ hội vay vốn với chi phí thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Giám đốc Đào tạo Trung tâm đào tạo AudiCare Việt Nam (ACV).

Việc áp dụng IFRS sẽ nâng cao khả năng so sánh của báo cáo tài chính xuyên biên giới quốc tế; cải thiện tính minh bạch và giảm sự bất cân xứng thông tin giữa công ty và nhà đầu tư; tăng niềm tin của nhà đầu tư và có khả năng giảm chi phí vốn. Cùng đó là hợp lý hóa quy trình báo cáo cho các công ty đa quốc gia bằng cách cung cấp một bộ tiêu chuẩn duy nhất.

Tuy vậy theo bà Thủy, trên thực tế chưa nhiều DN Việt Nam tiếp cận các thông tin về IFRS, việc tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính của nhiều DN vẫn có khoảng cách so với quy định. Các DN luôn trăn trở làm thế nào để báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, qua đó hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và thực sự phát triển bền vững.

Cũng theo bà Thuỷ, cách tiếp cận IFRS dựa trên nguyên tắc có thể phức tạp và đòi hỏi sự phán đoán quan trọng; chi phí cao liên quan đến đào tạo, thay đổi hệ thống và tuân thủ liên tục.

Ngoài ra, việc điều chỉnh IFRS phù hợp với luật pháp và quy định địa phương có thể khó khăn cũng như sự khác nhau trong cách giải thích và áp dụng giữa các quốc gia và tổ chức khác nhau.

Doanh nghiệp phải làm gì?

Ông Nguyễn Chí Dũng - Giám đốc Thuế Doanh nghiệp Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho hay, hiện cơ quan thuế có xu hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra thuế, thay đổi phương pháp tiếp cận khi thanh kiểm tra.

Trong đó, 90% doanh nghiệp trong diện kế hoạch thanh kiểm tra được lựa chọn tự động qua hệ thống đánh giá rủi ro của cơ quan thuế.

Lĩnh vực trọng tâm thanh kiểm tra trong năm 2024 là các doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề có rủi ro gian lận, trốn thuế như bất động sản, xây dựng, kinh doanh nguyên vật liệu, kinh doanh bán lẻ; sản xuất kinh doanh sản phẩm từ nhựa; truyền thông, quảng cáo, thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Giám đốc Thuế Doanh nghiệp Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Doanh nghiệp có số thuế nộp lớn, DN có quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh kiểm tra hay DN có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, kết quả kinh doanh lỗ nhiều năm hoặc thấp hơn nhiều so với các DN cùng ngành nghề... cũng là những đối tượng trọng tâm trong thanh kiểm tra của cơ quan thuế.

Theo ông Dũng, để tránh bị cơ quan thuế đánh giá rủi ro về thuế, DN cần nâng cao quy trình nội bộ, tuân thủ pháp luật về thuế, thường xuyên cập nhật chính sách thuế. DN có thể sử dụng các đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp để DN biết đã làm đúng hay chưa, qua đó nâng cao mức độ tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế.

Cùng quan điểm, Giám đốc Đào tạo Trung tâm đào tạo AudiCare Việt Nam (ACV) gợi ý DN sử dụng các đơn vị tư vấn chuyên vấn chuyên nghiệp bởi những công ty này đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu cũng như đề cao tính tuân thủ. Như vậy, DN sẽ tiết kiệm được thời gian để tập trung vào quản trị DN, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn.

“Thực tế cho thấy, nhiều DN, trong đó có các DN tư nhân đã chuyển hướng theo cách thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp nhằm nâng cao tính minh bạch, đáng tin cậy cho báo cáo tài chính của DN”, bà Thuỷ nói.

Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) đã xây dựng kế hoạch đào tạo từ nay đến cuối năm 2024 với nhiều chủ để thiết thực ở cả cấp vi mô và vĩ mô nhằm hỗ trợ DN trong các KCN Đại An, KCN Đại An mở rộng và KCN Lai Cách.

Theo đó, cung cấp cho DN thông tin mới nhất về cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực như thuế, kế toán, hải quan, tài chính và quản trị doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… cũng như xu hướng phát triển xanh, các quy đ/ịnh yêu cầu về chuyển đổi các KCN truyền thống hiện có sang các KCN sinh thái và xây dựng mới các KCN sinh thái.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật