Bức tranh kinh doanh nửa năm của doanh nghiệp chăn nuôi: Giá bán tăng nhưng lợi nhuận phân hoá
Dù giá heo trong quý II năm nay bật tăng 40-50% so với cuối năm 2023 và quý I/2024, thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng niềm vui từ biến động này.
Kể từ giữa tháng 3, giá heo hơi trên cả nước đã duy trì đà tăng tích cực và chạm mức 65.000 đồng/kg ở nhiều địa phương - mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, thậm chí đã ghi nhận mức giá 70.000 đồng/kg ở rải rác một số nơi, bật tăng so với mức 45.000-50.000 đồng/kg trong những tháng đầu năm.
Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam với Tạp chí Công Thương, đà tăng của giá heo đang được hỗ trợ chủ yếu nhờ tình trạng nguồn cung heo khan hiếm và một phần do tâm lý trên thị trường.
Liên tục tăng trong 2 tháng, bước sang tháng 6, giá heo hơi trong nước giảm nhẹ so do nhu cầu tiêu thụ đang ở giai đoạn thấp điểm, xuống dưới 70.000 đồng/kg. Dù không vượt mốc 70.000 đồng/kg, tuy nhiên, với mức giá như hiện nay đã cao hơn từ 14.000 – 16.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm ngoái.
Mức giá bán này cũng mang lại niềm vui cho nhiều doanh nghiệp lớn như Dabaco, Masan MeatLife… Tuy nhiên, không phải cái tên nào cũng được hưởng lợi.
“Niềm vui” cho doanh nghiệp chăn nuôi heo, “nỗi buồn” cho đơn vị chế biến
Xét về lợi nhuận, doanh nghiệp HAGL của “bầu” Đoàn Nguyên Đức ghi nhận lãi 507 tỷ trong nửa đầu năm, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do mảng xuất khẩu chuối.
Tính riêng quý II, nguồn thu từ trái cây tăng 98% so với cùng kỳ lên 1.116 tỷ đồng, chiếm 74% doanh thu. Còn với mảng heo, HAGL chỉ đạt 320 tỷ đồng doanh thu trong quý II, thấp hơn cùng kỳ 28%. Nhưng nhờ giá thức ăn chăn nuôi rẻ, giá vốn cũng giảm tới 40% nên lãi gộp mảng này được cải thiện mạnh tới 68%, đạt 86 tỷ đồng.
BAF cũng là cái tên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp có “heo ăn chay” ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế gấp 12 lần, đạt 154 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Tính riêng quý II, BAF có doanh thu đạt giảm 23%, chủ yếu do sự suy giảm từ mảng kinh doanh nông sản. Trong khi đó, mảng chăn nuôi heo vẫn tăng trưởng tích cực với doanh thu đạt 806 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng. Biên lợi nhuận gộp của riêng mảng chăn nuôi heo trong quý II đã được cải thiện mạnh lên mức 14,2%, so với mức 5,8% của cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp cho biết hiện đang trong quá trình tái cấu trúc kinh doanh, dần thu hẹp mảng kinh doanh nông sản để dồn lực cho mảng chăn nuôi heo khép kín 3F (Feed - Farm - Food). Đồng thời, công ty không còn ghi nhận doanh thu ở mảng bất động sản và dịch vụ.
Mảng chăn nuôi heo của Hoà Phát cũng cho thấy tín hiệu sáng khi trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã cung cấp ra thị trường gần 190.000 con heo thịt, 80.000 con heo giống thương phẩm và hơn 1.000 con heo giống hậu bị.
Công ty cho biết sản lượng bán hàng các dòng heo đều tăng trưởng tốt, riêng heo giống hậu bị cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 100% so với kế hoạch đầu năm.
Doanh thu từ mảng chăn nuôi của Hòa Phát cũng tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng heo bán ra thị trường tăng và giá heo hơi ổn định hơn so với năm 2023.
Theo giải trình, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết giá heo tăng do nguồn cung nội địa giảm, số lượng đàn nái sinh sản giảm bởi dịch bệnh. Năm nay, thời tiết nắng nóng bất thường làm heo chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, dẫn đến năng suất giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung heo thương phẩm bán ra thị trường.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại giảm giúp biên lợi nhuận chăn nuôi của công ty tốt hơn. Doanh thu từ heo tăng mạnh là yếu tố giúp Hoà Phát thu về khoản lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt gần 6.190 tỷ đồng, tăng đột biến 238% so với cùng kỳ trong khi doanh thu tăng 25%, đạt 71.000 tỷ đồng.
Một "ông lớn" khác hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm là Dabaco cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm, dù kết quả kinh doanh quý II sụt giảm.
Kết thúc 6 tháng, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 6.437 tỷ đồng, tăng 11%. Sau khi trừ thuế và các loại chi phí, công ty báo lãi ròng hơn 218 tỷ đồng, cao gấp 36 lần số thực hiện cùng kỳ 2023.
Masan Meatlife là đơn vị duy nhất báo lỗ. Tuy nhiên, số lỗ 79 tỷ cũng cho thấy sự phục hồi đáng kể, bởi cùng kỳ doanh nghiệp lỗ ròng hơn 348 tỷ đồng. Nguyên nhân do có thêm các khoản lợi nhuận được chia từ công ty con, ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính.
Còn CTCP Chăn nuôi Việt Nam báo lãi giảm tới 66% trong nửa đầu năm, chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính giảm khi lãi suất tiền gửi giảm so với cùng kỳ. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng chi phí bán hàng để tăng cường các hoạt động tiếp thị quảng cáo, mở rộng mạng lưới phân phối cho sản phẩm sữa và thịt bò.
Trong khi đó, VSN đón kết quả tiêu cực sau nửa đầu năm với lãi ròng 56 tỷ đồng, đi lùi 11%. Nguyên nhân do sản lượng bán giảm. Hơn nữa, là một doanh nghiệp chế biến thực phẩm, VSN lại chịu ảnh hưởng tiêu cực vì giá heo hơi đầu vào tăng cao so với cùng kỳ.
Giá heo hơi khó giảm, ít nhất đến hết năm nay
Trong phân tích cuối tháng 6, Công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá, 2023 là một năm đầy khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi heo. Do nguồn cung heo hơi trên thị trường duy trì ở ổn định, lượng thịt heo giá rẻ nhập khẩu lớn khiến cho giá thịt heo hơi duy trì ở mức thấp, trung bình đạt 53.800 VND/kg (-7% svck).
Cả năm 2023, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp/hộ nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá thành thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức nền cao và dịch bệnh tả lợn châu Phi (ASF) còn tiếp diễn. Áp lực đến với các hộ chăn nuôi khi khi giá thành chăn nuôi neo ở mức cao, khoảng 55.000 đồng/kg trong khi giá bán trung bình năm chỉ khoảng 54.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 48.000 đồng/kg. Do đó, tỷ lệ hộ chăn nuôi tái đàn rất thấp.
Đơn vị này cũng dự báo các doanh nghiệp/hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín sẽ giành được lợi thế nhờ vào khả năng kiểm soát điều kiện ăn uống, môi trường sống; khả năng kiểm soát chất lượng đầu vào của đàn heo và hạn chế được ASF. Bên cạnh đó, khi có sự thuận lợi về điều kiện chăn nuôi và thị trường giá heo hơi, các doanh nghiệp khép kín sẽ dễ dàng tái đàn và cung cấp thêm thương phẩm ra ngoài thị trường.
Cùng nhận định, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết ngành chăn nuôi heo chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
TPS đánh giá, tình hình sản xuất trong nước vẫn khá tích cực, đàn heo có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt heo hơi tăng và tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.
Giá heo hơi được kỳ vọng tăng lên khoảng 70.000 đồng/kg và có thể duy trì tới cuối năm 2024 do các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn sau đợt dịch ASF và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12 mới có nguồn cung mới ra thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá thịt heo cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng dẫn tới tiêu thụ chậm nhưng không ảnh hưởng nhiều tới giá của heo hơi.
Tại buổi họp nhà đầu tư diễn ra hồi tháng 5, ban lãnh đạo BaF Việt Nam cũng đã chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình hoạt động và triển vọng thị trường. Ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính thông tin, đà tăng của giá heo hơi năm nay chủ yếu đến từ yếu tố nguồn cung. Dịch ASF đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung con giống, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang phải nhập heo giống với chi phí cao.
Theo vị này, đợt dịch ASF vừa rồi gây ảnh hưởng có thể lên đến 1 triệu heo trên cả nước. Trong khi đó, cả doanh nghiệp chăn nuôi lẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn và cần chờ đến ít nhất tháng 12 mới có nguồn cung mới ra thị trường.
“Giá heo lúc này có dư cung thì mới giảm, nhưng giờ cũng không có heo giống hay heo cai sữa để tái đàn, nên giá cũng khó giảm được”, ông Ngô Cao Cường cho biết.