A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa hái lá dong rừng đón vụ Tết nơi vùng cao Tuyên Quang

Những ngày cuối năm, người dân tại nhiều bản làng của tỉnh Tuyên Quang lại cùng nhau vào những cánh rừng già hái lá dong đón vụ Tết.

Mùa hái lá dong rừng đón vụ Tết nơi vùng cao Tuyên Quang

Lá dong rừng như một thứ quà của rừng già cho người dân các bản làng vùng cao Tuyên Quang. Ảnh: Quang Hòa.

Những ngày này, chị Hoàng Thị Huệ và nhiều người dân ở thôn Lang Chang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) lại cùng nhau vào sâu trong rừng già để hái lá dong - loại lá luôn được ưa chuộng mỗi dịp Tết đến và cũng là món quà của rừng già.

Dong rừng thường mọc dưới tán rừng nguyên sinh ở những nơi đất ẩm, ven các khu vực đồi cao, gần những thung lũng hoặc triền suối, nơi có đủ độ ẩm. Tại những khu vực này, cây dong phát triển mạnh mẽ, lá to, dày, xanh mướt.

Chị Huệ cho biết, càng ở những nơi rừng già, có tán dày thì càng có nhiều lá dong bởi loài cây này ưa bóng râm. Cây dong có thể thu hoạch trong năm nhưng dịp Tết là được giá nhất.

Thương lái từ nhiều nơi tìm về Tuyên Quang thu mua lá dong rừng cho vụ Tết. Ảnh: Quang Hòa.

Thương lái từ nhiều nơi tìm về Tuyên Quang thu mua lá dong rừng cho vụ Tết. Ảnh: Quang Hòa

"Từ trước Tết 2 tháng, dân làng bảo nhau dừng hái dong để cây sinh trưởng khỏe hơn và cho nhiều lá vào vụ Tết. Hái lá dong không quá cầu kỳ nhưng đường đi vất vả, luồn lách trong rừng sâu. Tuy nhiên ai cũng vui vì có thêm thu nhập", chị Huệ chia sẻ.

Thu hái lá dong là công việc đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo. Những người đi lấy lá phải chọn những chiếc lá chưa bị sâu hay mưa tạt làm hư hỏng, mà phải dong nếp, không phải lá dong lông. Dùng dao sắc cắt từ gốc, tránh làm lá bị rách, sau đó cuộn tròn nhẹ nhàng và buộc chặt.

Với giá cả trung bình khoảng 1.000 đồng/lá đẹp, người đi lấy lá dong có thể thu nhập trung bình 300 nghìn đồng/ngày. Người nào chăm chỉ, sức khỏe tốt có thể thu nhập cao hơn. Cũng vì thế mà người dân nơi vùng cao Tuyên Quang vẫn bảo nhau phải giữ rừng, sống với rừng.

Càng gần Tết, thương lái từ nhiều nơi đổ về thu mua lá dong rừng rầm rộ. Từ đây, lá dong đi tới các khu chợ, các làng nghề làm bánh chưng ở khắp miền Bắc và cả các tỉnh phía Nam.

Anh Hoàng Anh (Hà Nội) làm nghề thu mua lá dong nhiều năm cho biết: "Dong rừng có ở nhiều tỉnh miền núi, trong đó lá dong ở Tuyên Quang có chất lượng tốt, lá to, đều và màu đẹp nên được ưa chuộng. Mỗi vụ chúng tôi thu mua từ 5 - 7 tấn lá".

Vườn dong của anh Vấn cho thu nhập đều đặn với kỳ vọng sẽ thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quang Hòa.

Vườn dong của anh Vấn cho thu nhập đều đặn với kỳ vọng sẽ thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quang Hòa

Để không phụ thuộc vào nguồn lá dong tự nhiên cũng như bảo vệ nguồn lợi từ rừng, một số nơi tại tỉnh Tuyên Quang đã đưa dong rừng về trồng và nhân giống.

Anh Phạm Văn Vấn, xã Tân Tiến (Yên Sơn) bắt đầu đưa cây dong rừng về trồng trong vườn nhà từ năm 2006. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và chăm sóc, đến nay anh Vấn đã có hơn 5.000m2 đất đồi trồng dong.

"Cây dong rừng không khó trồng nhưng để cho lá to, đều thì phải có kỹ thuật, mấu chốt là tạo cho cây môi trường sống gần như ở rừng. Trong vườn luôn phải có những cây to tạo tán, bóng râm", anh Vấn chia sẻ.

Vườn dong của anh Vấn cho thu hoạch quanh năm phục vụ các cơ sở làm bánh trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm cho gia đình thu nhập hơn 50 triệu đồng, đặc biệt là rất dễ tiêu thụ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật