Các doanh nghiệp hàng không đang kinh doanh ra sao?
Gần 2 năm về trước, nhiều doanh nghiệp (DN) hàng không Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản do lượng khách tụt giảm nghiêm trọng bởi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Sau hơn 1 năm dịch bệnh qua đi, “sức khỏe” nhiều DN đang có chuyển biến rõ rệt. Tùy cách quản trị, có những DN đã lãi hàng trăm tỷ chỉ trong ba tháng đầu năm.
Vietjet Air lãi cả trăm tỷ đồng
Hồi cuối năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo, hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với giai đoạn trước dịch COVID-19 năm 2019. Còn thị trường quốc tế, cơ quan này dự báo đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức 2019 vào cuối năm 2023.
Trước các dự báo tích cực về thị trường hàng không, nhiều hãng bay Việt Nam đã có những bước chuẩn bị để đón nhận cơ hội. Theo ghi nhận, Vietjet Air là một trong những hãng bay nhanh nhạy, sáng tạo đón đầu các cơ hội kinh doanh. Ngay trong quý I/2023, Vietjet đã mở thêm 10 đường bay mới (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay lên 105 đường bay (55 đường bay nội địa, 50 đường bay quốc tế).
Từ đầu năm 2023, Vietjet đã tăng thêm nhiều chuyến bay trên các chặng bay kết nối Hà Nội, TP HCM với nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu về quê đoàn tụ gia đình của người dân, đồng thời tăng chuyến trên các chặng bay đến những điểm du lịch. Vietjet tiên phong mở các đường bay quốc tế mới từ Việt Nam đến Ấn Độ, Kazashtan và Úc, khai thác những điểm đến mới tại những thị trường hãng đang khai thác hiệu quả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… thu hút đầu tư và du lịch từ các nước đến Việt Nam.
Theo báo cáo kinh doanh quý 1/2023, doanh thu vận chuyển hàng không Vietjet đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Vietjet đã khai thác 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng 57% và 75% so với quý I/2022. Tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt hơn 14.8 ngàn tấn, tăng 20% so với cùng kỳ 2022. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là “điểm sáng” với việc đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.
Về mục tiêu trong năm 2023, đại diện Vietjet cho biết, bên cạnh việc khai thác ổn định thị trường nội địa, đơn vị này đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tập trung phát triển mạnh ở thị trường quốc tế, nghiên cứu và đầu tư khai thác những đường bay còn nhiều tiềm năng. Hãng này cũng dự kiến sẽ tăng đội tàu bay lên 87 chiếc, khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm 2023.
Với hãng bay non trẻ nhất Việt Nam là Vietravel Airlines, dù chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2023, nhưng đơn vị này cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, Vietravel Airlines đã thực hiện thành công gần 1.600 chuyến bay với tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 91,2%. Điều đáng lưu ý, từ quý IV/2022, Vietravel có lãi trên 200 tỷ đồng. Như vậy, “sức khỏe” của “em út” hàng không Việt Nam này không đáng lo ngại.
Vietnam Airlines vẫn âm lợi nhuận, Bamboo Airways khởi sắc
Với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, tình hình kinh doanh có vẻ kém sáng sủa hơn khi trong quý I/2023 lợi nhuận sau thuế vẫn âm 37 tỷ đồng dù đạt doanh thu vận chuyển hàng không 23.640 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với quý I năm trước Vietnam Airlines lỗ 2.685 tỷ đồng thì mức lỗ năm nay có thể nói là “đáng mừng” với điều kiện một tổng công ty Nhà nước còn cồng kềnh về bộ máy.
Điều đáng lo hơn cả, tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 59.600 tỷ đồng, đang âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng, cổ phiếu nằm trong diện bị kiểm soát. Được biết, Vietnam Airlines đang nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.
Còn với Bamboo Airways, đơn vị này từng phải trải qua cuộc khủng hoảng kép khi vừa phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 vừa phải đối mặt với việc một số lãnh đạo cấp cao dính đến pháp luật hình sự liên quan đến Tập đoàn FLC. Đến nay, gần như Bamboo Airways đã thoát ly khỏi FLC cả về vốn góp lẫn nhân sự. Một dàn lãnh đạo mới đang hình thành để điều hành Bamboo Airways. Theo đánh giá, với việc thị trường hàng không nhiều triển vọng cộng với đội ngũ lãnh đạo đang được kiện toàn, Bamboo Airways đang phát triển đúng hướng, có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.
Về kết quả kinh doanh, dù đến nay Bamboo Airways chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 nhưng tại đại hội bất thường diễn ra trong tháng 4/2023, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý 1/2023 khi đội tàu bay hoạt động hết công suất.
Đặc biệt, theo kế hoạch, tới đây Bamboo Airways sẽ phát hành 1,15 tỷ cổ phần riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 11.500 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của hãng này sẽ đạt mức 30.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Doanh nghiệp dịch vụ hàng không “ăn nên làm ra”
Trong bối cảnh số chuyến bay và hành khách tăng mạnh, các DN dịch vụ hàng không đang được hưởng lợi. Cụ thể, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong quý I/2023 đạt doanh thu thuần 4.728 tỷ đồng, lợi nhuận 2.938 tỷ đồng. Kế hoạch cả năm, ACV phấn đấu doanh thu cả năm 20.641 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.488 tỷ đồng. Công ty phục vụ mặt đất SGN ghi nhận mức lãi trong quý I năm nay là 55 tỷ đồng.