A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chân dung "ông trùm" thiết bị điện đang là cổ đông lớn nhất tại Eximbank

Sau hơn 3 thập kỷ phát triển với tên tuổi gắn liền cùng hệ sinh thái tập trung vào hai lĩnh vực chính là sản xuất thiết bị điện và hạ tầng, khu công nghiệp…, GELEX nay đã bắt đầu lộ diện ở vai trò cổ đông tổ chức lớn nhất tại Eximbank.

Công ty CP Tập đoàn GELEX (mã GEX) mới đây công bố đã mua thêm tổng cộng 89 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) trong hai ngày 7 và ngày 8/8/2024, thông qua phương thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của GELEX tại Eximbank tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9% lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ, qua đó, chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank.

Ngoài GELEX, hiện Eximbank đang còn 3 cổ đông khác nắm từ 1% cổ phần trở lên. Trong đó, Công ty CP Chứng khoán VIX sở hữu 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% vốn Eximbank.

Đáng chú ý, Chứng khoán VIX cũng đang là cổ đông nắm giữ 30 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 3,52% vốn điều lệ của GELEX. Đây là công ty chứng khoán từng có nhiều liên hệ với ông Nguyễn Văn Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc của GELEX.

Doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984, thường được biết đến với biệt danh “Tuấn mượt”. Ông được giới kinh doanh chú ý đến khi thâu tóm thành công 2 thương vụ nghìn tỷ là Viglacera và Gelex.

Ông Nguyễn Văn Tuấn bắt đầu đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc và Thành viên HĐQT của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (tiền thân của Công ty CP Tập đoàn GELEX) từ năm 2016, khi ở tuổi 32. Đây cũng là thời điểm mà Bộ Công Thương vừa tiến hành thoái vốn hoàn toàn tại GELEX (tháng 12/2015).

Quá trình cổ phần hóa và chuyển nhượng phần vốn góp của Bộ Công thương tại Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam từng gây nhiều chú ý, khi là một hiện tượng hy hữu trong quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, phiên giao dịch ngày 25/12/2015 đã đi vào lịch sử của sàn giao dịch UPCoM khi chỉ trong 30 phút đầu tiên của phiên giao dịch, cổ đông Nhà nước là Bộ Công thương đã bán xong toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ với tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.

Tại phiên giao dịch này, cổ phiếu GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu nhưng khi kết thúc phiên, cổ phiếu này đã tăng vọt lên 19.500 đồng/cổ phiếu.

Sau hoạt động thoái vốn của cổ đông Nhà nước, GELEX cũng bắt tay thực hiện tái cấu trúc nhằm phục vụ kế hoạch phát triển thông qua việc thoái vốn tại các công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh lõi để tập trung phát triển các ngành nghề kinh doanh chính, có tiềm năng mạnh, với các thương hiệu như dây cáp điện CADIVI, thiết bị đo điện EMIC, máy biến áp THIBIDI, động cơ điện HEM, dây đồng CFT… Đồng thời, tập đoàn này cũng triển khai lộ trình đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của các công ty đã gây dựng được thương hiệu.

Chuỗi giá trị ngành điện của GELEX

Quá trình tái cấu trúc của GELEX gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Văn Tuấn khi vị doanh nhân trẻ này lần lượt đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các công ty thành viên của GELEX. Trong năm 2016, ông Tuấn trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thiết bị điện, rồi Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX.

Không dừng ở đó, từ năm 2017 đến nay, ông Nguyễn Văn Tuấn còn tiếp tục đảm nhiệm thêm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH S.A.S CTAMAD (từ tháng 7/2017) và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện lực GELEX (từ tháng 4/2019).

Cũng từ năm 2019, ông Tuấn tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Viglacera sau khi nhóm cổ đông GELEX thực hiện M&A doanh nghiệp này với định hướng mở rộng phát triển sang lĩnh vực hạ tầng. Tháng 4/2021, GELEX đã mua thêm 18,5 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn và người có liên quan tại Viglacera lên 225,1 triệu cổ phiếu, tương đương với 50,21% vốn điều lệ, chính thức đưa Viglacera thành công ty con của GELEX.

Sau khi hoàn tất thâu tóm Viglacera để hoàn thiện hệ sinh thái với 2 lĩnh vực cốt lõi là sản xuất công nghiệp và hạ tầng thông qua 2 công ty thành viên là Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX (gồm các công ty con CADIVI, THIBIDI, HEM, EMIC, CFT, GELEX-PG, MEE, Mua bán điện GELEX) và Công ty CP Hạ tầng GELEX (Viglacera, Viwasupco, Năng lượng GELEX,…) đến tháng 6/2021, Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn GELEX.

Cùng với quá trình chuyển đổi, quy mô doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh của Tập đoàn GELEX đã có những thay đổi lớn. Từ một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 177 tỷ đồng khi mới thành lập (tháng 7/1990), đến nay sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của GELEX đã tăng tới hơn 48 lần, lên 8.515 tỷ đồng.

Hành trình tăng vốn của GELEX dưới thời CEO Nguyễn Văn Tuấn cũng gắn liền với quá trình tái cấu trúc, mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp này.

Khởi đầu là một doanh nghiệp chỉ chuyên sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xuất nhập khẩu trực tiếp thiết bị điện, vật liệu kỹ thuật điện. Đến nay, GELEX mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp (thiết bị điện và vật liệu xây dựng), hạ tầng (sản xuất điện, nước sạch, đầu tư phát triển khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp)…

Tháng 1/2018, GELEX mang 266,8 triệu cổ phiếu GEX lên niêm yết trên HoSE và đến nay, sau hơn 6 năm lên sàn, số lượng cổ phiếu GEX đang lưu hành đã tăng lên gần 851,5 triệu đơn vị, đưa vốn hóa doanh nghiệp vượt 18.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2018, GELEX chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình tập đoàn, tập trung vào 2 lĩnh vực sản xuất công nghiệp (thiết bị điện) và hạ tầng (điện - nước - logistics - bất động sản) trước khi lấn sân sang cả mảng vật liệu xây dựng, hạ tầng khu công nghiệp (M&A Tổng Công ty Viglacera).

Từ một doanh nghiệp quy mô khiêm tốn, đến cuối năm 2023, tổng tài sản của GELEX đã tăng lên mức 55.077 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô nợ của tập đoàn này cũng tăng dần và đến cuối năm 2023 ở mức 33.853 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của GELEX giảm còn 52.442 tỷ đồng và nợ phải trả cũng giảm gần 3.700 tỷ đồng, xuống 30.164 tỷ đồng, trong đó, nợ vay là 17.328 tỷ đồng, giảm gần 13% so với cuối năm 2023.

Về tình hình kinh doanh, từ mức doanh thu gần 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 580 tỷ đồng vào năm 2016 (năm đầu tiên sau khi hoàn tất cổ phần hóa) đến năm 2017 doanh thu của GELEX đã tăng mạnh 64% lên 11.984 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 2,3 lần lên 1.315 tỷ đồng. Giai đoạn tăng trưởng doanh thu liên tục của GELEX kéo dài từ năm 2018 đến năm 2022 (với doanh thu kỷ lục 32.089 tỷ đồng) rồi chững lại vào năm 2023 (doanh thu đạt 29.998 tỷ đồng).

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế sau khi đạt kỷ lục 1.666 tỷ đồng vào năm 2021 đã sụt giảm liên tiếp trong hai năm 2022 và 2023.

Năm 2024, GELEX quyết tâm tăng trưởng trở lại với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất thiết lập kỷ lục mới 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện 2023.

7 tháng đầu năm nay, GELEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.527 tỷ đồng, hoàn thành 57% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.975 tỷ đồng và đã vượt 3% kế hoạch năm.

Nhìn vào cơ cấu doanh thu của GELEX trong 7 tháng đầu năm 2024, có thể thấy 2 lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hạ tầng vẫn đang đóng vai trò chủ lực tại tập đoàn.

Trong tầm nhìn dài hạn, GELEX cũng hướng đến trở thành tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam với hai lĩnh vực cốt lõi là sản xuất công nghiệp và hạ tầng. Do đó, động thái trở thành cổ đông lớn nhất tại Eximbank gần đây của GELEX càng gây sự chú ý và được giới đầu tư chờ đợi về bước đi tiếp theo của tập đoàn này trong giai đoạn sắp tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan