Cổ đông HAGL tiếp tục thông qua phương án huy động 1.300 tỷ đồng
Theo biên bản kiểm phiếu từ đợt lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản, HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) đã thông qua phương án phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.300 tỷ.
Cụ thể, HAG dự kiến chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cp, cao hơn 33% so với thị giá 7.510 đồng/cp (kết phiên 26/9). Thời gian thực hiện sau khi được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Đối tượng tham gia là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số lượng dưới 100 người.
Tổng số tiền dự kiến thu được 1.300 tỷ đồng, HAG sẽ dùng 323 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành ngày 18/6/2012 (mã HAG2012.300); cơ cấu lại khoản nợ tại TP Bank với công ty con là Gia súc Lơ Pang (277 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng). Thời gian giải ngân dự kiến từ 2023-2024.
Trước đó, vào tháng 4, HAG đã không thành công trong đợt phát hành riêng lẻ gần 162 triệu cp với giá 10.500 đồng/cp (dự thu 1.700 tỷ đồng), nguyên nhân do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua.
Về tình hình hoạt động, HAG vừa ước sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 8 với doanh thu 660 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ, mảng cây ăn trái vẫn là nguồn thu chính với 338 tỷ, chăn nuôi đứng thứ 2 với 182 tỷ và phụ trợ 140 tỷ. Tuy nhiên HAG không công bố lợi nhuận (thể theo ý kiến cổ đông tại Hội nghị gặp gỡ cổ đông tháng 8 vừa qua, HAG sẽ cập nhật lợi nhuận định kỳ theo quý thay vì theo tháng).
Trong báo cáo tài chính tổng hợp bán niên 2023 đã soát xét, kiểm toán nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần gần 101 tỷ đồng (lợi nhuận chưa soát xét âm 84 tỷ đồng) cho kỳ kế toán 6 tháng, kết thúc ngày 30/6/2023.
Đáng chú ý, khoản lỗ lũy kế của HAG là 3.641 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 962 tỷ đồng. Điều đó dẫn đến sự tồn tại yếu tố không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAG.
Trong phân tích doanh nghiệp hồi đầu tháng 8 vừa qua, Chứng khoán Vietcap kỳ vọng mảng kinh doanh trái cây của HAG sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023, vì quốc gia này đang chiếm 80%-90% sản lượng chuối xuất khẩu của HAG.Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối được ký giữaViệt Nam và Trung Quốc vào tháng 11/2022 được coi là động lực để tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa.
Ngoài ra, mảng chăn nuôi lợn sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng giá lợn hơi.HAG dự kiến duy trì công suất chăn nuôi lợn hiện tại là 600.000 con/năm và đặt kế hoạch sản xuất 300.000 con lợn, tăng 2% so với cùng kỳ trong năm 2023. Vietcap kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận gộp từ mảng chăn nuôi lợn của HAG sẽ được thúc đẩy nhờ sự phục hồi của giá lợn trong nửa cuối năm 2023 và chi phí thức ăn chăn nuôi rẻ hơn nhờ tự cung ngô nguyên liệu.
Giá lợn trung bình trong tháng 7 là 61.000 đồng/kg, tăng 23% so với mức đáy vào tháng 3. Trong nửa cuối năm 2023,Vietcap dự báo giá lợn sẽ tiếp tục tăng nhờ chênh lệch cung cầu thịt lợn. Cụ thể, công ty chứng khoán kỳ vọng nhu cầu thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 khi lạm phát hạ nhiệt và mảng du lịch và khách sạn tiếp tục phục hồi. Trong khi đó, tăng trưởng từ nguồn cung thịt lợn sẽ diễn ra chậm hơn sovới nhu cầu.
Năm 2023, HAG cũng có kế hoạch trồng 2.000 ha ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi và dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng 7. Vì ngô là một trong những thành phần chính trong thức ăn chăn nuôi của HAG, nên việc tự cung ngô nguyên liệu sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi lợn của HAG trong nửa cuối năm 2023.