A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có nên bỏ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp lại nhà, đất?

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách lo ngại về khả năng mất tài sản nhà nước do bỏ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp lại nhà, đất.

Lo ngại rủi ro thất thoát tài sản nhà nước

Sáng 19/11, tiếp tục phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung dự án Luật và ý kiến của đại biểu Quốc hội có nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan đã thảo luận, cơ bản thống nhất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các Luật Kế toán, Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Dự trữ quốc gia.

Về Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán Độc lập, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán cũng như các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều, đó là nội dung: Báo cáo về vốn điều lệ và việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

Các cơ quan đã trao đổi, thống nhất quy định về 2 nội dung này tại dự thảo Luật theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.

Về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật này cũng như các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Cụ thể là, về nội dung phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” trong quản lý, sử dụng tài sản công. Một số ý kiến và Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc, chưa sửa đổi, bổ sung các điều khoản này, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động; rà soát bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ để tránh mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong nội bộ luật này và các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các pháp luật chuyên ngành. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ quyền hạn của Chính phủ, các cơ quan…

Thường trực Ủy ban Pháp luật và đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, sửa đổi tất cả các nội dung chuyển từ phân cấp sang phân quyền đối với tất cả các nội dung như nêu tại dự thảo Luật sẽ không phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thậm chí ngay trong các điều khoản của Luật hiện hành; cần phải rà soát sửa đổi tổng thể toàn bộ các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và sửa đổi, bổ sung thêm một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng để quy định ngay trong Luật các nội dung chuyển từ “phân cấp” sang “phân quyền” phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước “chuyển giao về địa phương quản lý”, một số ý kiến nhất trí bổ sung hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” theo đề xuất của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, không cần sửa đổi các điều, khoản này vì thực tế đang triển khai thực hiện và không có vướng mắc

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo nhất trí bổ sung quy định này để làm cơ sở địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả tài sản công là nhà, đất dôi dư, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, giúp gắn trách nhiệm quản lý với sử dụng, khai thác tài sản công.

Về sắp xếp lại nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công của doanh nghiệp nhà nước (điểm b khoản 22 Điều 5 dự thảo Luật), một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, bổ sung cụm từ “Không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”; một số ý kiến cho rằng, việc sắp xếp nhà đất của doanh nghiệp là rất cần thiết, nếu bỏ quy định này tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn do không có Luật nào khác quy định việc sắp xếp lại nhà, đất của doanh nghiệp

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo nhất trí theo đề xuất của Chính phủ.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách lo ngại về khả năng mất tài sản nhà nước do bỏ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp lại nhà, đất như nội dung đang được dự thảo của Luật; bỏ quy định này sẽ tạo khoảng trống pháp lý, trong khi đất, nhà, công trình và các tài sản gắn liền với đất giao cho doanh nghiệp quản lý là rất lớn. Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đã lưu ý nội dung sửa đổi này vì rủi ro thất thoát tài sản nhà nước là tương đối hiện hữu.

Do còn có ý kiến lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung sửa đổi này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

Băn khoăn quy định người nộp thuế được bổ sung hồ sơ sau thanh tra

Về Luật Quản lý thuế, sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số (khoản 4 Điều 42 Luật hiện hành), một số ý kiến cho rằng, việc bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số là chưa phù hợp.

Về nội dung này, quá trình thẩm tra, rà soát hoàn chỉnh dự thảo Luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả thảo luận sau cuộc họp Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách ngày 18/11/2024 và giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất theo đề xuất của Chính phủ, theo đó bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 liên quan đến trách nhiệm của công chức thuế, ông Lê Quang Mạnh nêu, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất phương án sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế, thể hiện cụ thể tại khoản 1, khoản 3 Điều 72 Luật hiện hành.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách không nhất trí với đề xuất của cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung nội dung về trách nhiệm của công chức thuế tại khoản 2 Điều 5 Luật hiện hành và nội dung về trách nhiệm của người nộp thuế tại khoản 2 Điều 72 Luật hiện hành. Vì các nội dung này đã được thể hiện tại khoản 3 Điều 72 và tại Điều 17 Luật hiện hành, nếu thực hiện theo đề xuất của cơ quan soạn thảo sẽ dẫn đến trùng lặp giữa các điều khoản của dự thảo Luật.

Về quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra (Điều 47 Luật hiện hành), trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo mới chỉ thống nhất với cơ quan thẩm tra để sửa đổi theo hướng không cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời gian Cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Cơ quan soạn thảo vẫn đề nghị giữ quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, nội dung sửa đổi theo đề xuất của cơ quan soạn thảo theo hướng vẫn cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan thuế đã ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra là chưa triệt để và chưa giải quyết được bất cập của quy định hiện hành.

Về bố trí kinh phí để hiện đại hóa ngành thuế, cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để sửa đổi, bổ sung nội dung này vào khoản 1 Điều 11 Luật hiện hành. Nội dung về vấn đề hiện đại hoá ngành thuế đã được Chính phủ đề nghị tại Tờ trình số 501/TTr-CP ngày 22/9/2024 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đã có ý kiến thẩm tra đối với nội dung này tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 2501/BC-UBTCNS15 ngày 10/10/2024, cơ bản nhất trí đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 501/TTr-CP nêu trên và có ý kiến đề nghị chỉnh lý nội dung này. Để có căn cứ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu nội dung này, đề nghị Chính phủ có văn bản thể hiện ý kiến chính thức về nội dung tiếp thu này của Cơ quan soạn thảo.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật