A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơn sốt trà sữa Trung Quốc: Mixue, HeyTea, ChaPanda... 'xâm chiếm' toàn cầu

Thành công tại thị trường nội địa tạo nền tảng cho nhiều thương hiệu trà sữa Trung Quốc tìm kiếm các thị trường mới để khai thác.

Theo Financial Times, thị trường trà sữa đang rất sôi động. Ở một ngã tư đông đúc tại trung tâm Thượng Hải, đối diện với cửa hàng của ChaPanda, thương hiệu trà đối thủ Heytea cũng đang cạnh tranh giành giật khách hàng. ChaPanda là thương hiệu trà sữa Trung Quốc với 8.000 cửa hàng nội địa.

"Học sinh, nhân viên văn phòng ngoài 30, họ đều uống vài ngày một lần. Hộ không thể thiếu trà sữa," một nhân viên ChaPanda cho biết.

Trà sữa trân châu lần đầu ra đời vào những năm 1980 ở Đài Loan và thức uống này đã trở thành một món nổi tiếng trên toàn thế giới. Giờ đây, các công ty Trung Quốc đại lục đang tìm cách huy động vốn và mở rộng ra ngoài biên giới.

CEO ChaPanda, Wang Hongxue, cho biết công ty muốn niêm yết tại Hong Kong với mục tiêu huy động khoảng 330 USD, đồng thời nhận định các thị trường nước ngoài có "tiềm năng rất lớn".

Họ đã mở cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 2023. Công ty nhìn thấy cơ hội ở Đông Nam Á cũng như triển vọng tăng trưởng nội địa hơn nữa.

Trong khi đó, hồi tháng 12/2023, Heytea ra mắt tại New York, còn hai chuỗi trà sữa giá rẻ nhất nhì Trung Quốc là Mixue và Guming, cũng đang lên kế hoạch IPO trong những tháng tới ở Hong Kong. Mixue mở cửa hàng quốc tế đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2018 và hiện có hơn 3.000 cửa hàng bên ngoài Trung Quốc.

Guming đánh giá thị trường Trung Quốc trong hồ sơ IPO là "cạnh tranh gay gắt và thay đổi nhanh chóng". Thương hiệu này cho biết họ sẽ liên tục đánh giá các cơ hội để thâm nhập vào thị trường nước ngoài nhờ công thức thành công đã chứng minh ở trong nước.

Các thương hiệu trà sữa trân châu Trung Quốc như HeyTea, ChaPanda, Mixue, Guming... đang vươn mình tới các thị trường quốc tế. (Ảnh: HeyTea).

Chỉ riêng ở Trung Quốc đại lục, Hiệp hội chuỗi cửa hàng và nhượng quyền cho biết thị trường đồ uống trà tươi đạt 104 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) vào năm 2022, gần gấp đôi quy mô 534 tỷ nhân dân tệ của năm 2018.

Đối với ChaPanda, doanh số bán hàng tại các cửa hàng nhượng quyền của họ đã tăng từ 10 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 lên 17 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023, trong thời gian nhiều ngành hàng tiêu dùng khác đang phải vật lộn với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Jason Yu, Giám đốc điều hành đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel nhận xét: "[Các thương hiệu trà sữa] có sức hút rộng rãi hơn nhiều so với các chuỗi cà phê".

Ông cho rằng nhiều công ty Trung Quốc đại lục, dưới áp lực cạnh tranh với những ý tưởng mới, đã nâng tầm ngành này lên một tầm cao mới.

"Nó không chỉ đơn thuần là trà sữa nữa. Đó thực sự là một thức uống có thể pha trộn với mọi thứ bạn có thể tưởng tượng ra", ông nói.

Với giá từ 15 - 20 nhân dân tệ ở Thượng Hải (khoảng 50-70.000 đồng), những thức uống này được coi là có khả năng chống lại sự giảm sút lòng tin tiêu dùng đang diễn ra ở Trung Quốc đại lục. Bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện tỏ ra thận trọng, chuyển sang xu hướng giảm tiêu dùng, hộ gia đình cắt giảm chi tiêu xa xỉ.

Jeffrey Towson, người sáng lập TechMoat Consulting cho biết: "Tất cả dữ liệu đều cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt lưng buộc bụng trong năm nay."

Ông cho rằng các sản phẩm như kem và trà sữa là những "sự nuông chiều không tốn kém cho người tiêu dùng" và những doanh nghiệp như vậy "nên hoạt động tốt trong thời kỳ suy thoái".

Mixue là một ví dụ cho trà sữa giá rẻ với chỉ khoảng 6 nhân dân tệ (hơn 20.000 đồng), họ đã tạo ra một mô hình kinh doanh nhượng quyền dễ dàng nhân rộng, phổ biến ở các thành phố cấp thấp.

Tính đến tháng 12/2023, Mixue có 30.000 cửa hàng. Mixue có các nhà máy riêng và cho biết họ cung cấp "dịch vụ hậu cần miễn phí trên toàn Trung Quốc" cho hàng nghìn cửa hàng nhượng quyền của mình. Những cửa hàng này mua nguyên liệu, tài liệu tiếp thị và thiết bị từ Mixue để vận hành cửa hàng.

Mặc dù nhiều nhà cung cấp quốc tế nhấn mạnh nguồn gốc trà sữa từ Đài Loan, nhưng các loại đồ uống trà sữa được bán trên khắp Trung Quốc đại lục thường gắn liền với truyền thống uống trà lâu đời của đất nước. Đối với Mark Tanner, giám đốc điều hành China Skinny - một agency chuyên về thương hiệu có trụ sở tại Thượng Hải,  nhu cầu đối với trà sữa có liên quan đến yếu tố tự hào dân tộc.

"Cà phê là một sản phẩm ngoại lai, trong khi trà là thứ rất Trung Quốc," ông nói và nhận xét thứ đồ uống này thu hút người trẻ tuổi.

Ping Xiao, giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Melbourne, cho biết các thị trường nước ngoài có cộng đồng người Hoa kiều hoặc sinh viên Trung Quốc mang đến cơ hội thực sự cho người tiêu dùng nước ngoài tiếp xúc với các thương hiệu Trung Quốc và văn hóa trà phong phú của đất nước này.

Với giáo sư marketing Jeongwen Chiang của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Âu, sự bành trướng quốc tế của trà sữa có thể dễ dàng đạt được thông qua liên doanh với các đối tác địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật