A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghệ là chìa khóa cho ngành dệt may chuyển mình xanh hoá

Áp lực phải chuyển đổi xanh và số hóa đang buộc các doanh nghiệp trong ngành dệt may phải thay đổi tư duy và cách vận hành để phát triển bền vững.

Công nghệ là chìa khóa cho bước chuyển mình mạnh mẽ

Là một trong những trụ cột xuất khẩu quan trọng của nền kinh tế, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với bước ngoặt lớn chưa từng có. Những biến động của thị trường toàn cầu, yêu cầu ngày càng khắt khe từ khách hàng, cùng áp lực phải chuyển đổi xanh và số hóa đang buộc ngành này phải thay đổi tư duy và cách vận hành. Đổi mới không còn là một xu hướng nhất thời, mà là con đường sống còn để ngành dệt may giữ vững vị thế và bứt phá trong giai đoạn mới.

Công nghệ là chìa khóa cho ngành dệt may chuyển mình xanh hoá
Áp lực phải chuyển đổi xanh và số hóa đang buộc các doanh nghiệp trong ngành dệt may phải thay đổi tư duy và cách vận hành để phát triển bền vững.

Theo báo cáo năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như: Đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào gia tăng, trong khi các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU liên tục nâng cao tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa, phát thải carbon và trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào công nghệ hiện đại, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và hướng tới phát triển bền vững.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay là nâng cao giá trị gia tăng. Chúng ta vẫn đang ở vị trí gia công là chủ yếu, giá trị xuất khẩu cao nhưng giá trị thực thu lại chưa tương xứng. Để bứt phá, doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào công nghệ, thiết kế, tự chủ nguyên phụ liệu và chuyển đổi số.

Một trong những bước đi tiêu biểu thể hiện tư duy đổi mới là sự kiện Avery Dennison bắt tay với Shenzhou Group, khánh thành nhà máy liên doanh tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Nhà máy Avery Dennison Worldon Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm và giải pháp may mặc công nghệ cao, bao gồm nhãn thông minh RFID và các sản phẩm nhận diện kỹ thuật số Embelex. Những sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu mà còn tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước.

“Chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái sản xuất sẵn sàng cho tương lai – nơi đổi mới sáng tạo là trung tâm, giúp các thương hiệu phát triển toàn diện và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho toàn ngành”, ông Michael Barton, đại diện Tập đoàn Avery Dennison, chia sẻ.

Công nghệ là chìa khóa cho ngành dệt may chuyển mình xanh hoá
Nhà máy Avery Dennison Worldon Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm và giải pháp may mặc công nghệ cao.

Khát vọng xanh hóa ngành dệt may

Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và chuyển sang tiêu dùng có trách nhiệm, khái niệm “xanh hóa” trong ngành dệt may không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc để tồn tại và phát triển.

Khát vọng xanh hóa đang dần được hiện thực hóa thông qua những hành động cụ thể, mạnh mẽ và đầy quyết tâm từ các doanh nghiệp và địa phương trên khắp cả nước. Trong đó, ngành dệt may không đứng ngoài cuộc.

“Nếu không chuyển đổi kịp thời, ngành dệt may có thể đánh mất cơ hội tiếp cận các thị trường cao cấp. Việc xanh hóa là vấn đề sống còn, không còn đơn thuần là một xu hướng”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong đã chủ động đầu tư vào công nghệ sạch, quy trình tiết kiệm năng lượng và hệ thống xử lý nước thải hiện đại từ rất sớm, thay vì chờ đến khi các quy định trở nên bắt buộc. Đây không chỉ là sự chuẩn bị cho tương lai mà còn là chiến lược để tạo lợi thế cạnh tranh trong hiện tại.

Song hành với nỗ lực của doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho những dự án đầu tư công nghệ xanh, nhà máy thông minh, đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho các khu công nghiệp dệt nhuộm, yếu tố then chốt để phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

Về dài hạn, ông Cẩm cho rằng ngành dệt may cần một chiến lược tổng thể và bền vững: Từ quy hoạch vùng nguyên liệu, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đến hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu Việt.

Một số chuyên gia trong ngành cũng đồng tình rằng, dệt may Việt Nam không thể mãi ở vị thế “gia công giá rẻ”. Để vươn lên mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện từ tư duy lãnh đạo, công nghệ sản xuất đến mô hình kinh doanh. Chỉ khi nào sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có thể đứng vững trên các kệ hàng quốc tế, khi đó chúng ta mới thực sự trở thành người chơi chủ động trong “sân chơi lớn”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật