A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp tại Bình Thuận tuyển thêm lao động để đảm bảo đơn hàng

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bình Thuận khởi sắc, nhiều nơi tuyển thêm công nhân để đáp ứng tiến độ đơn hàng.

Doanh nghiệp tại Bình Thuận tuyển thêm lao động để đảm bảo đơn hàng

Sản xuất giày dép là ngành chủ lực, thu hút đơn hàng tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp ở Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn

Đến tháng 8.2024, tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận có 66 doanh nghiệp đã tham gia sản xuất - kinh doanh, trong đó nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô.

Tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên từ đầu năm đến nay có sự tăng trưởng so cùng kỳ. Doanh thu của các doanh nghiệp đạt 5.200 tỉ đồng, tăng 12,5%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 130 triệu USD, tăng 14,3%.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, đáng mừng là hầu hết các nhóm ngành hàng chủ lực như giày dép, may mặc, thủy hải sản, gỗ, giấy, khoáng sản,… đều có đơn đặt hàng ổn định để sản xuất.

Bà Đoàn Thị Mỹ Thạch - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Quốc tế Right Rich là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm II cho biết, trước đây lượng đơn hàng không ổn định nên công suất hoạt động của công ty bị giảm sút. Nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng dần phục hồi và tốt hơn nên thiếu lao động. Hiện doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300 lao động.

Ông Trần Duy Thanh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận - cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, tiền lương bình quân của người lao động trong các khu công nghiệp Bình Thuận là 6.500.000 đồng/người/tháng. Tỉ lệ người lao động được đóng bảo hiểm xã hội trên số lao động đã ký hợp đồng là 97%.

Thời gian qua, 2 Khu công nghiệp Hàm Kiệm I và Hàm Kiệm II đã thu hút và tuyển lao động từ các huyện lân cận mới đáp ứng đủ nhu cầu lao động. Nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động ngày một tăng dẫn đến quá trình cạnh tranh người lao động giữa vùng chuyên canh thanh long và khu công nghiệp đã và đang âm thầm diễn ra. Khi thanh long ế ẩm, các lao động trẻ xin vào làm công nhân để ổn định thu nhập.

Cùng với tín hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đa số các doanh nghiệp thì cùng thời điểm cũng có 2 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.045 tỉ đồng.

Tính đến nay, Bình Thuận đã thu hút gần 90 dự án thứ cấp của doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 16.700 tỉ đồng và gần 195 triệu USD.

Theo ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, hiện nay “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cơ bản đã được giải quyết khi 3 tuyến cao tốc qua Bình Thuận được đưa vào khai thác. Qua đó, tạo cú hích lớn để thu hút đầu tư và góp phần kéo giảm giá thành chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.

Các khu công nghiệp tại Bình Thuận hiện có lợi thế về giá thuê đất, phí hạ tầng, chi phí nhân công rẻ, vì vậy giúp nhà đầu tư tiết kiệm trong quá trình kết nối sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đặc biệt môi trường đầu tư tại Bình Thuận tiếp tục chuyển biến tích cực, chính quyền địa phương sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp hướng đến hoạt động hiệu quả, phát triển thịnh vượng... cũng tạo niềm tin để thu hút dự án lấp đầy các khu công nghiệp vào thời gian tới.

Khi thu hút thêm nhà đầu tư và lấp đầy diện tích khu công nghiệp, nhu cầu về lao động tại các Khu công nghiệp ở Bình Thuận lại tăng và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như tiến độ các đơn hàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan