Nhiều doanh nghiệp TPHCM khó tuyển dụng lao động
Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động dù đã hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng cũng như nâng cao phí giới thiệu tuyển dụng.
Hạ chuẩn, tăng phí giới thiệu để tuyển dụng lao động
Mới đây, để tuyển dụng thêm khoảng 500 lao động ngành may, Công ty TNHH Dinsen Việt Nam (quận Tân Phú, TPHCM) đã đưa ra nhiều phụ cấp hấp dẫn như: Hiệu suất 925.000 đồng, kỹ năng 250.000 - 500.000 đồng, trợ cấp nuôi con nhỏ 150.000 đồng/con; bảo hiểm tai nạn 24/7. Công ty cam kết lương cơ bản 6,5 triệu đồng/tháng, thu nhập 9,5 - 12 triệu đồng/tháng; thưởng cho người mới 4 triệu đồng và chi phí giới thiệu đến 4 triệu đồng.
Công ty TNHH Freetrend A (KCX Linh Trung II, TPHCM) cũng có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động phổ thông và các vị trí khác như nhân viên kỹ thuật, nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên thu mua… Riêng đối với lao động phổ thông, công ty “hạ chuẩn” tuyển dụng chỉ cần biết đọc, biết viết.
Bà Ngô Thị Nga - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May Nhà Bè (quận 7, TPHCM) - cho biết, công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng các đơn hàng, tuy nhiên hiện rất khó tuyển dụng số lượng lao động lớn một lúc, chỉ tuyển dụng được khoảng vài chục lao động mỗi tuần.
Theo ông Huỳnh Văn Chơi - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Việt Hưng (quận 12, TPHCM), công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm gần 200 công nhân với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân 11 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca tối đa 2 ngày/tuần, mỗi ngày tăng ca 3 tiếng.
Ngoài ra, công nhân còn được hưởng nhiều phúc lợi như thưởng các ngày lễ 30.4, lễ 2.9, Tết, được nghỉ mát hằng năm và lương tháng 13... nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa tuyển dụng đủ lao động, phải từ chối một số đơn hàng gia công áo sơmi.
Nhiều lý do người lao động không vào làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM thống kê nhu cầu người tìm việc - việc tìm người trên cổng thông tin việc làm TPHCM với tiêu chí 27 ngành, nghề trong tháng 8.2024 cho thấy, có 7.591 người đi tìm việc và có 9.861 việc tìm người, nghĩa là số người tìm việc ít hơn nhu cầu tuyển dụng.
Trong đó, số người tìm việc lao động phổ thông là 1.963 người, còn nhu cầu việc tìm lao động phổ thông đến 5.433, chiếm 55,1% tổng số nhu cầu việc tìm người. Ở ngành da giày, may mặc, có 959 người tìm việc, và nhu cầu việc tìm người là 1.324 người.
Giải thích lý do nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM - cho rằng, sau dịch COVID-19, khá nhiều NLĐ chuyển dịch từ TPHCM về các tỉnh chưa trở lại.
Điều này được thể hiện qua số liệu giải quyết bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), có hơn 50% NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHTN là từ các tỉnh về TPHCM làm việc.
Bên cạnh đó, xu hướng nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động đang dần dịch chuyển về các tỉnh lân cận TPHCM do chi phí nhân công rẻ, mặt bằng rộng, phù hợp cho việc đảm bảo môi trường lao động.
Một số doanh nghiệp có chế độ tiền lương, tiền thưởng thấp, điều kiện làm việc không thuận lợi dẫn đến khó khăn trong khâu tuyển dụng. Ngoài ra, có nhiều sinh viên mới ra trường gần như chỉ có kiến thức lý thuyết trên sách vở, thiếu kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm, ít được rèn luyện về kỹ năng mềm, nên khó tìm được việc làm.
“Mỗi năm có trên 150.000 người nộp hồ sơ hưởng BHTN, nhưng lại sẵn sàng làm việc ở khu vực phi chính thức như chạy Grab, đi giao hàng cho các sàn thương mại điện tử, bán hàng online... không đóng BHXH để tiếp tục hưởng hết số tháng trợ cấp BHTN (ít nhất là 3 tháng, nhiều nhất 12 tháng), không có nhu cầu tìm việc trong thời gian hưởng thất nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động” - bà Thục nói.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Trưởng Văn phòng Đại diện VITAS TPHCM - cho rằng, tiền lương ngành dệt may không cao, nhiều ngành nghề khác cũng có nhiều đơn hàng nên cạnh tranh về lao động.