A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất xanh - 'chìa khoá' giúp doanh nghiệp chinh phục các thị trường lớn

Sản xuất xanh không chỉ là cơ hội mà còn là “chìa khóa” để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như EU và Mỹ ngày càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn môi trường khắt khe nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Tại tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy sản xuất xanh" mới đây, ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, song song với sự phát triển kinh tế là những thách thức về môi trường.

Hơn 30% khu công nghiệp phía Bắc vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xử lý chất thải, đặt ra thách thức cấp bách cho phát triển bền vững. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hợp lý đã dẫn đến nhiều hệ lụy như suy thoái đất đai, ô nhiễm không khí và cạn kiệt nguồn nước ngọt.

Phó Giám đốc HPA nhấn mạnh, sản xuất xanh mang lại lợi ích to lớn, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, ông Quang cho biết, các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh có thể tiết kiệm từ 10-30% chi phí năng lượng và nguyên vật liệu. Điển hình là Tập đoàn Năng lượng Xanh tại Hải Phòng đã giảm được 25% chi phí vận hành nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tái chế và tái sử dụng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) tại tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy sản xuất xanh".

Cùng quan điểm, theo TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME), sản xuất xanh không chỉ là cơ hội mà còn là “chìa khóa” để doanh nghiệp tiếp cận các thị trường lớn như EU và Mỹ, nơi áp đặt các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh không chỉ có khả năng xâm nhập các thị trường này mà còn được hưởng ưu đãi về thuế và xuất khẩu. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng uy tín trên trường quốc tế.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, chuyển đổi sang sản xuất xanh còn mở ra cơ hội việc làm lớn cho người lao động. Dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh, Phó Chủ tịch HANOISME cho biết, đến năm 2030, Việt Nam có thể tạo thêm khoảng 2 triệu việc làm trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học và nông nghiệp hữu cơ.

"Sản xuất xanh không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển bền vững", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, bà Đặng Thị Bích Hường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xanh. Đến năm 2023, diện tích đất canh tác hữu cơ của Việt Nam đã đạt khoảng 235.000 ha, chiếm 2,36% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước. Các sản phẩm hữu cơ như dừa, gạo, gia vị, và chè đang ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh mẽ, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu đã đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD vào năm 2023, chủ yếu là sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Việt Nam hiện có khoảng 200 đơn vị xuất khẩu rau quả, cà phê, gạo, điều, và hạt tiêu sang các thị trường như Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Theo bà Hường, nông nghiệp hữu cơ góp phần giảm phát thải khí nhà kính nhờ việc hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, giúp giảm 30-50% lượng hóa chất so với canh tác thông thường. Điều này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giữ gìn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, đất đai.

Tại toạ đàm, các đại biểu có chung nhận định, chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ là giải pháp cho doanh nghiệp trong thời đại mới mà còn là trách nhiệm để bảo vệ môi trường và tạo ra nền kinh tế bền vững. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các chính sách ưu đãi, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để phát triển vững mạnh, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, cạnh tranh toàn cầu và mang lại lợi ích cho xã hội.

Tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, tổ chức, trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Kết nối cùng phát triển – “Link to Grow” – Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc 2024. Chương trình diễn ra từ 25–27/10 tại TTTM Vincom Mega Mall Smart City, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhằm quảng bá hình ảnh thành phố Hà Nội, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư các công nghệ xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật