A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sao Ta ước lãi trước thuế 134 tỷ nửa đầu năm

Lãnh đạo Sao Ta kỳ vọng việc tiêu thụ cuối năm 2024 và 2025 đều tăng trưởng so cùng kỳ khoảng 10%-15% tại tất cả thị trường lớn chủ yếu nhờ sản lượng khi giá tiêu thụ chưa cải thiện vì áp lực cung còn quá lớn.

Trong báo cáo gặp gỡ doanh nghiệp của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông tin nửa đầu năm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) ghi nhận doanh số đạt 94 triệu USD (tương đương 2.350 tỷ đóng tại tỷ giá USD/VND là 25.000 đồng) và lợi nhuận trước thuế 134 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực tăng trưởng chính là sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 15% tương đương 8.400 tấn trong khi giá bán trung bình tương đương cùng kỳ tại 10,5 USD/kg.

Cơ cấu doanh thu hợp nhất nửa đầu năm 2024 theo thị trường Nhật/Mỹ/EU/ÚC lần lượt là 40%/30%/20%/7%. Doanh số tôm là 91 triệu USD và nông sản là 3 triệu USD.

Ảnh: PAN Group.

Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nửa cuối năm

Lãnh đạo kỳ vọng việc tiêu thụ cuối năm 2024 và 2025 đều tăng trưởng so cùng kỳ khoảng 10%-15% tại tất cả thị trường lớn chủ yếu nhờ sản lượng khi giá tiêu thụ chưa cải thiện vì áp lực cung còn quá lớn. Giá bán tại thị trường Nhật tăng nhẹ trong nửa cuối nhờ đồng yên tăng trở lại.

Tình hình thâm nhập thị trường Nhật, FMC coi trọng tập trung phát triển mối quan hệ với các khách hàng lớn đang có nhằm tạo thêm năng lực cạnh tranh cho cả hai bên. Tuy nhiên, FMC vẫn luôn coi trọng tìm thêm đối tác mới. Mối quan hệ đối tác mới ban đầu doanh số còn ở mức trung bình.

Thị phần ở Nhật nửa đầu năm tăng nhẹ so năm 2023, duy trì 40- 45%. Thị trường của công ty tại Nhật chiếm 13%.

Về nuôi tôm, tình hình chất lượng con tôm giống không còn ở cao điểm. Tuy nhiên, VDSC thông tin FMC có lợi thế là đối tác chiến lược C.P ưu tiên cho chọn con giống tốt, cho nên việc thả nuổi trên 500 ha của công ty có tốc độ tăng trưởng tốt và tỷ lệ thành công duy trì mức trên 90% cho vụ chính (thời tiết thuận lợi). Sản lượng tôm tự nuôi dự kiến đạt từ 12.000 đến 15.000 tấn trong năm 2024.

Ngành tôm sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thời tiết La Nina đến do nếu nhiệt độ nuôi dưới 28 độ thì dễ làm virus sinh sản nên ban lãnh đạo kỳ vọng năm nay không xảy ra La Nina.

Công suất nhà máy, nhà máy mới đang trong giai đoạn cao điểm này gần như lấp đầy công suất. Nhìn chung FMC sẽ chủ động nguyên liệu để có đủ nguyên liệu cho cuối năm.

Giá tôm nguyên liệu khó rẻ bằng Ecuador

Liên quan tới ảnh hưởng của đối thủ như Ecuador và Ấn độ khi tập trung phát triển tôm giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2024, lãnh đạo FMC cho rằng doanh nghiệp sản xuất tôm GTGT của Ecuador sẽ phải đối mặt với khan hiếm lao động (chế biến càng sâu thì năng suất càng thấp) và nguồn tôm thương phẩm quá lớn nếu để lâu dễ hư hỏng, cho nên sản phẩm chế biến cao của họ, nếu có, thì chỉ là tỷ lệ nhỏ, không tác động đáng kể lên thị trường.

Và Ấn độ cũng đã từng có ý định làm tôm GTGT từ năm 2015 nhưng vẫn chưa làm được.

So sánh giá tôm nguyên liệu với Ecuador, lãnh đạo cho rằng giá tôm nguyên liệu khó rẻ bằng Ecuador do chi phí thức ăn chiếm 60% chi phí giá thành nuôi tôm và Ecuador có vị trí địa lý gần nhà cung cấp nguyên liệu thức ăn như bột cá ở Peru và đậu tương ở Brazil. Bên cạnh đó, mật độ thả nuôi của Ecuador thấp hơn Việt Nam và nguồn nước sạch hơn. Nhưng ban lãnh đạo cũng nhận thấy khả năng tôm giống Ecuador bự và tốt hơn Việt Nam nhưng chưa công bố ra thị trường.

Về mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, thuế bán phá giá hiện hành (AD) là 0%. Thuế chống trợ cấp (CVD) tạm nộp là 2,84%. Ban lãnh đạo chờ đợi ngày 26/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Lúc đó, việc xử lý các vụ kiện trên sẽ dễ thở hơn nhờ sử dụng lý dữ liệu chi phí và doanh thu từ FMC thay vì nước thứ 3.

Rủi ro về chi phí nguyên liệu và khả năng thu hẹp biên lợi nhuận mảng tôm, FMC tự chủ vùng nuôi thực lớn nhất nước và qua đó góp phần giảm giá thành cũng như chủ động nguồn nguyên liệu có kiểm soát tốt.

Kế hoạch thâm nhập thị trường Trung Quốc, FMC sẽ gia nhập thị trường này vào những năm tới nếu nhu cầu tăng cao.

Về giá thành nuôi tôm, giá thành sản xuất thấp hơn giá mua bên ngoài từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg tùy theo tỷ lệ nuôi thành công. Cơ cấu chi phí nuôi tôm gồm chi phí thức ăn 40- 50%, nhân công 5-8%, con giống 5-7%.

Về so sánh quy trình nuôi tôm FMC và MPC thì quy trình nuôi tôm FMC là quy trình nuôi vi sinh với 4 sạch. Quy trình BioMP của MPC cũng là quy trình nuôi vi sinh. Điểm khác nhau là ở cách vận hành và hoàn cảnh thực tế của từng vùng nuôi.

Về hệ số ROE trong dài hạn, chỉ số ROE năm 2022, 2023 lần lượt là 15,17% và 13,9%. Nếu không biến động lớn về vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp kỳ vọng ROE luôn nhỏ nhất là 15%, phần đấu tiến về 20%.

Về tăng trưởng kép 5 năm tới, FMC kỳ vọng tăng trưởng trung bình 10%/năm nhờ sản lượng tăng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật