A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn

Chỉ tạo thuận lợi hơn, không thêm rào cản và đẩy mạnh khâu thực thi sẽ giúp môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam cải thiện hơn, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Cải cách chững lại

Đây là nhận định chung được các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề đưa ra tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 3/3/2022. Từ năm 2014 đến nay, MTKD và năng lực cạnh tranh (NLCT) đã có nhiều cải thiện rõ nét nhờ hàng năm Chính phủ đều có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2021).

Sự cải thiện nhanh vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu là minh chứng rõ nét nhất cho những thành quả đạt được. NLCT 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) ở vị trí 44/132 (năm 2021); Phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018…

can moi truong kinh doanh thuan loi hon an toan hon

Tuy nhiên TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban MTKD và NLCT của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, từ cuối năm 2019 đến nay, nỗ lực cải cách MTKD có xu hướng chững lại. Thể hiện ở một số khía cạnh như: Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất; Số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ nhưng thực tế thực thi còn hình thức; Nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức, chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp; Cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi…

Đa số ý kiến đưa ra tại Hội nghị đều đồng tình với nhận định này. Câu hỏi đặt ra là xu hướng chững lại ấy nguyên nhân do đâu? Tất nhiên về mặt khách quan, đại dịch COVID-19 là yếu tố hàng đầu. Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM, dịch COVID-19 và những ưu tiên cho chống dịch, bảo vệ sinh mạng người dân trong gần hai năm qua đã phần nào làm chùng lại tiến độ cải cách, thậm chí đã dẫn đến “sự đứt gãy nhất định” trong quá trình và xu thế cải cách. Tuy nhiên, điều mà ông Cung lo ngại hơn là có một số biểu hiện “kháng cự”, làm chậm lại quá trình cải cách và nỗ lực phục hồi lại một số quyền và lợi đã mất ở một số bộ, cơ quan, địa phương. “Một số biện pháp chống dịch khá cực đoan trong thời gian qua đã khơi dậy một số giải pháp kiểm soát doanh nghiệp vốn đã bị bãi bỏ, hay động thái phục hồi lại một số điều kiện kinh doanh đã bãi bỏ, bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới… cho thấy điều này”, chuyên gia này nhận định.

Gắn mục tiêu với thực thi

Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, thực tế nỗ lực cải cách của chúng ta trong thời gian qua không chững lại, bằng chứng là Nghị quyết 02 liên tục được ban hành qua các năm và ngày càng mở rộng phạm vi cả về không gian, nội dung và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần đạt được. Điều đó cho thấy nỗ lực cải cách của chúng ta là không ngừng và các cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, về kết quả đạt được cũng có rất nhiều tiến bộ, như cải cách ở EVN hay tỉnh Quảng Ninh… là những điển hình. Vì thế, sự chững lại ở đây nguyên nhân chính là do sự cải cách chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, khu vực. Đây là thách thức lớn cần vượt qua vì nếu không thì tất cả những kết quả cải cách tích cực có được từ trước đến nay sẽ bị bào mòn.

“Thử hình dung, chúng ta đang trên đường cao tốc và mọi thứ sẽ vận hành trơn tru nhưng bỗng dưng gặp phải chỉ 10m toàn ổ voi, ổ gà. Khi có những sự không đồng đều như vậy thì những cải cách tốt không phát huy được hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh và khuyến nghị, trong bối cảnh chúng ta phải cạnh tranh để bám đuổi được với các nền kinh tế đã đi trước thì yêu cầu cải cách càng phải mạnh mẽ hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một MTKD thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện MTKD lúc này là rất cần thiết. Nghị quyết số 02 mà Chính phủ mới ban hành là đúng thời điểm, cho thấy sự chững lại vừa qua chỉ là bất khả kháng, tạm thời. “Nghị quyết 02 là biểu hiện rõ nét cam kết của Thủ tướng, của Chính phủ tiếp tục đặt nhiệm vụ cải cách, cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia là ưu tiên hàng đầu”, TS. Cung nhìn nhận.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, những nỗ lực về cải cách, cải thiện MTKD đưa ra trong Nghị quyết 02 được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Và khi Nghị quyết đã có, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã có, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thực thi một cách đồng bộ, liên ngành và có các cơ chế để thúc đẩy, giám sát và xử lý việc thực thi của các bên liên quan.

Theo đó TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới, hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản; không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua, mà phải thực hiện các giải pháp tạo thêm thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh; Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được Chính phủ giao về cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia. Ngoài ra, cần tạo lập và duy trì liên minh cải cách, cải thiện MTKD trên nguyên tắc tất cả vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng thịnh vượng quốc gia. Các hiệp hội doanh nghiệp không phân biệt trong nước, ngoài nước cần phối hợp, hợp tác, hiệp lực, trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau và ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện MTKD.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan