Chính sách hỗ trợ lãi suất: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, so với yêu cầu, tiến độ về Nghị quyết 11 của Chính phủ cơ bản các bộ, ngành, địa phương đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, NHNN đã rất chủ động phối hợp với các bộ, ngành về các giải pháp liên quan đến nguồn tín dụng như phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để soạn thảo Dự thảo Nghị định về hướng dẫn đối với các nguyên tắc, tiêu chí cũng như là các đối tượng để hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Có thể nói từ khi Quốc hội thông qua, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong quyết sách lớn này sớm đi vào cuộc sống, bởi hiện mặc dù sản xuất đang trên đà phục hồi, song khó khăn đối với doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng cao; trong khi giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí sản xuất lưu thông hàng hóa bị đội lên, lại thêm xung đột Nga - Ukraine… Vì vậy với mức lãi suất giảm 2%/năm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí có thêm nguồn tài chính để duy trì cùng đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thấu hiểu điều đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã bắt tay ngay vào soạn thảo Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.
Chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh |
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, NHNN đưa ra Dự thảo kịp thời, quy định cụ thể, rõ ràng chi tiết, minh bạch. Đối tượng được hỗ trợ lãi suất khá rộng và xác đáng là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh như hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản… Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian theo quy định từ ngày 11/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, phải sử dụng vốn vay đúng mục đích. “Bởi ngân sách chỉ hỗ trợ lãi suất, còn nguồn vốn để cho vay là vốn của các ngân hàng nên khả năng trả nợ là yêu cầu bắt buộc”, ông nói.
Với mốc thời gian 2 năm, cùng với nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng tích cực, theo đánh giá của TS. Thành đủ giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Song, vị chuyên gia này lưu ý, tỷ lệ cấp bù lãi suất 2%/năm đối với khoản vay giá trị vài chục triệu hoặc vài trăm triệu không lớn. Nhưng với các khoản vay lớn thì số tiền doanh nghiệp tiết kiệm chi phí từ cấp bù lãi suất là tương đối lớn. Vì thế, nguy cơ trục lợi chính sách là hiện hữu. Do vậy, quy định về đối tượng thụ hưởng càng cụ thể, rõ ràng bao nhiêu thì càng hạn chế nguy cơ trục lợi chính sách, đồng thời tạo thuận lợi cho việc giám sát quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp. “Để chính sách phát huy tác dụng, đến đúng đối tượng, cơ chế phù hợp, chính sách phải rõ ràng từ cấp Chính phủ, NHNN và triển khai đến các NHTM. Bên cạnh chính sách rõ ràng, khâu thủ tục cũng bớt rườm rà với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận chính sách. Nếu không gói hỗ trợ sẽ rất khó đi vào thực tiễn hoặc không đạt kỳ vọng”, TS. Thành nhìn nhận.
Lãnh đạo một ngân hàng cũng chia sẻ, doanh nghiệp là người được hưởng lợi từ chính sách này, còn các ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian tài chính, song vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Giải thích rõ hơn, ông cho biết, Dự thảo Nghị định quy định, điều kiện để được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của doanh nghiệp, của nền kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và khó dự đoán. Chưa kể, hiện tại chưa có chính sách nào quy định rõ ràng, đo đếm khả năng phục hồi của khách hàng có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau. Sau này khi thanh tra không may sai đối tượng, ngân hàng vừa chậm quyết toán mà lại mất nhiều thời gian làm việc với cơ quan thuế, thanh tra Chính phủ… Vì vậy ông cho rằng, cần quy định rõ về đối tượng thụ hưởng sẽ thuận hơn cho các ngân hàng khi triển khai chính sách.
Một băn khoăn nữa của các ngân hàng, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, là thủ tục quyết toán cấp bù lãi suất. “Điều kiện, thủ tục quyết toán phải chi tiết, rõ ràng hơn nữa, tránh trường hợp như năm 2009, đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong”, TS. Hùng kiến nghị. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định, Bộ Tài chính tạm cấp bù lãi suất cho NHTM theo định kỳ hàng quý, số tiền tạm cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền NHTM đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý. Tuy nhiên, các NHTM đang đề xuất Bộ Tài chính nâng mức tạm ứng lên 95% để giảm chi phí cho ngân hàng.
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, giới chuyên môn cũng chỉ ra một số thách thức đối với ngành Ngân hàng. Đó là việc triển khai đồng thời chương trình hỗ trợ lãi suất trong bối cảnh thực thi chính sách tài khóa mở rộng có thể tạo áp lực với điều hành chính sách tiền tệ. Quy mô chương trình rất lớn, trong khi nguồn nhân lực thanh tra, giám sát có hạn, nên việc thực hiện thanh tra, giám sát hỗ trợ lãi suất của các TCTD sẽ gặp không ít khó khăn.
Khó khăn là điều không phủ nhận được khi triển khai quyết sách lớn, song Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, dù ngân hàng vất vả, phải thêm việc nhưng cũng phải cố gắng triển khai để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Sau cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo, NHNN đang hoàn thiện Dự thảo theo góp ý của các ngân hàng, bộ ngành liên quan để cố gắng chính sách lớn này đi vào cuộc sống một cách sớm nhất đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu. “Việc sớm lấy ý kiến đóng góp vừa giúp Nghị định, Thông tư sớm ban hành mà còn đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng đảm bảo sự công bằng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.