Doanh nghiệp nhà nước và kỳ vọng luồng gió mới
Hầu hết lãnh đạo các DNNN đều đề xuất cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các DNNN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu có cơ chế tăng vốn chủ sở hữu cho các DNNN để đủ năng lực cạnh tranh và thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao...
Vai trò quan trọng, song hiệu quả chưa tương xứng
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong phát triển kinh tế - xã hội, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN về chủ đề trên đã diễn ra trong cả ngày 24/3. Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, DNNN luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cũng vì vậy, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và của DNNN.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ… và đóng góp đáng kể vào thu NSNN (đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN). Bên cạnh đó, DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông…; có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích cũng như trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội…
Quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn khiến các NHTM Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh, ảnh hưởng tới vai trò, vị thế dẫn dắt thị trường |
Tuy nhiên, những đóng góp ấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực đang nắm giữ cũng như các thị trường mà DNNN đang chi phối. Hay nói cách khác, DNNN chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế như kỳ vọng. Một ví dụ là thực tế trong những năm gần đây - nhất là 5 năm trở lại đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, 19 Tập đoàn Tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Tập đoàn Viettel (nắm giữ đến gần 90% nguồn lực của khu vực DNNN) chỉ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước (Dự án Trung tâm giao dịch và điều hành Viễn thông Quốc gia của Tập đoàn VNPT và dự án Thủy điện Sơn La của Tập đoàn EVN) và 1 dự án khởi công mới năm 2016 (Nhà máy sản xuất lốp xe tải radial - giai đoạn II của Tập đoàn Cao su Việt Nam). “Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo.
Bên cạnh đó, trình độ quản trị của DNNN chậm đổi mới và vẫn còn rất thấp so với chuẩn mực quốc tế; các DNNN nhìn chung đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình DN; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hạn chế; tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức; vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn chậm; thiếu tầm nhìn chiến lược để vươn ra quốc tế, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu... vẫn là những tồn tại lâu nay đã được nhắc tới.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông - lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước; 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Khối công ty mẹ tập đoàn - tổng công ty (DNNN quy mô lớn) nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc. |
Trăn trở để thay đổi
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, không ít ý kiến đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty cho biết cảm thấy trăn trở về thực trạng này, khi tiềm lực có nhưng chưa hoặc không đạt được hiệu quả tương xứng.
Như theo chia sẻ của bà Bùi Thị Thanh Tâm - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc, nếu không tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc thì 5-10 năm nữa, vai trò của DNNN thậm chí không còn được như hiện nay. Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, việc 5 năm trở lại đây DNNN không có dự án lớn nào là một lo ngại lớn. “Vì điều đó hàm ý rằng, nguy cơ của 5 năm tới là càng ngày vai trò, tỷ trọng đóng góp của DNNN sẽ càng bé đi”, ông Trường nói.
Với mong muốn phải nhận diện rõ được những điểm nghẽn, vướng mắc, hạn chế để DNNN phát huy được thế mạnh, tiềm năng và vai trò của mình, Thủ tướng đã gợi mở hàng loạt các vấn đề cần tập trung cho ý kiến tại hội nghị này. Trên tinh thần đó, thực tế các ý kiến tại hội nghị đã đi thẳng vào các vấn đề vướng mắc cụ thể của từng tập đoàn, tổng công ty, từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp cụ thể. Trong đó, hầu hết lãnh đạo các DNNN đều đề xuất cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các DNNN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu có cơ chế tăng vốn chủ sở hữu cho các DNNN để đủ năng lực cạnh tranh và thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao. Nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là đối với quản lý cấp cao trên cơ sở phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN…
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu để hoàn thiện Nghị quyết. “Ngay sau hội nghị này, chúng ta sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ với các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng cho biết.
Tại hội nghị, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các NHTM Nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, tổng vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng. Hạn chế về vốn dẫn đến hạn chế năng lực của các NHTM Nhà nước trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn (từ trên 52% năm 2018 xuống 48% năm 2021) và tín dụng (từ trên 50% năm 2018 xuống 46% năm 2021) và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ quốc gia và các chính sách lớn khác của Nhà nước. Vì vậy ông kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép các NHTM Nhà nước được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ dự phòng để tăng vốn điều lệ. Về lâu dài, xem xét cho phép tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các NHTM lên mức 35%. |