Triển vọng kém tích cực của doanh nghiệp vận tải biển - logistic
Ngành vận tải biển toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng như sản lượng vận tải biển. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vận tải biển trong nước cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.
Triển vọng lợi nhuận u ám do cung vượt cầu
Mặc dù sản lượng hàng hóa vận chuyển quốc tế của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kép là 9,9% trong giai đoạn 2017 - 2021, thấp hơn so với mức tăng trưởng 16,1% của sản lượng hàng hóa vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế vẫn chiếm phần lớn trong tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam với tỷ trọng 52,9% trong 10 tháng năm 2022, theo thống kê của CTCK VNDIRECT.
Vận chuyển quốc tế cũng là mảng mang lại doanh thu và lợi nhuận cao nhất cho các hãng vận chuyển nhờ cự ly vận chuyển cao hơn nhiều so với vận chuyển nội địa. Nhờ được Chính phủ bảo hộ, thị phần sản lượng hàng hóa của các hãng nội địa trong mảng vận tải nội địa luôn ổn định ở mức 80% qua các năm. Tuy nhiên, ở mảng vận chuyển quốc tế, tỷ trọng hãng tàu nội địa giảm dần qua từng năm và chỉ chiếm khoảng 5% trong 10 tháng năm 2022. Thị trường vận tải biển quốc tế Việt Nam được thống lĩnh bởi các hãng vận tải biển quốc tế nhờ quy mô đội tàu lớn với các tàu cỡ lớn giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh.
Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết tăng 73,7% so với cung kỳ, chủ yếu nhờ giá cước vận tải đường biển cao mà các công ty ký kết từ đầu năm 2022. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện do quy mô gia tăng. Nhờ đó, lợi nhuận ròng của các công ty vận tải biển niêm yết tăng 70,8% so với cùng kỳ, trong đó HAH ghi nhận mức tăng trưởng lợi ròng mạnh nhất 171,8% nhờ mở rộng đội tàu mạnh mẽ trong năm 2022.
"Trên thị trường quốc tế, sau một thời gian tăng trưởng chóng mặt, giá cước vận tải đường biển bất ngờ sụt giảm, trong đó chỉ số container thế giới (đại diện cho giá cước vận tải container) đã giảm 67% so với mức đỉnh và chỉ số BDI (đại diện cho giá vận chuyển nguyên liệu thô) đã giảm 71% từ mức đỉnh. Đây là kết quả của việc nhu cầu vận tải hàng hoá toàn cầu suy yếu trong khi thị trường lo ngại nguồn cung tăng lên trong thời gian tới", chuyên gia của VNDIRECT cho biết.
Theo Alphaliner, số lượng đơn đóng tàu mới mới tiếp tục tăng, đưa lượng đơn đặt hàng hiện tại đạt 27,9% tổng công suất thị trường – mức cao nhất kể từ năm 2012. Đội tàu toàn cầu có thể tăng lần lượt 4,4% và 8,2% trong giai đoạn 2022 và 2023 do đơn hàng mới sẽ được giao, trong khi sản lượng hàng hóa thông qua toàn cầu có thể chỉ tăng 0,9% và 2,7% do suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện tượng dư cung sẽ gây áp lực lớn lên giá cước vận tải biển trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh của hãng tàu có độ trễ nhất định với biến động của giá cước vận tải biển do các hợp đồng thuê tàu định hạn thường được ký từ 6-12 tháng. Do đó, tác động của việc giảm giá cước vận tải biển sẽ sẽ bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển trong giai đoạn 2023 - 2024 tới.
Tuy nhiên, VNDIRECT vẫn nhận thấy một số yếu tố tích cực có thể phần nào giảm bớt tác động tiêu cực từ việc giảm giá cước. Trung Quốc trên đà mở cửa trở lại, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và tiêu dùng toàn cầu. Dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ duy trì quanh mức 90 USD/thùng vào năm 2023, điều này sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu cho các công ty vận tải biển.
Tác động của chính sách tăng lãi suất và đồng USD tăng giá
Theo nghiên cứu của VNDIRECT, các công ty có vị thế tiền mặt ròng và tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu thấp bao gồm VNA, PHP, VSC, MVN, SGP, VOS.
“Chúng tôi tin rằng các công ty này sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng trong thời gian tới. PHP là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất dựa trên tỷ lệ của thu nhập lãi thuần trên lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2022”, chuyên gia của VNDIRECT đánh giá.
Ngược lại, HAH và GMD có thể bị ảnh hưởng từ môi trường lãi suất tăng do các công ty này có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao để đầu tư cho kế hoạch mở rộng công suất.
Việc đồng USD tăng mạnh cũng có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch mở rộng công suất mới vay bằng USD trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các công ty vận tải biển như HAH và MVN hiện có mức độ rủi ro cao với các khoản nợ dựa trên USD và có thể gặp khó khăn trong môi trường USD mạnh. Tuy nhiên, do các hãng vận tải này có một phần doanh thu tính bằng USD nên phần nào có thể bù đắp được chi phí tài chính gia tăng do lỗ tỷ giá khi USD tăng giá trong thời gian tới.