A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VNDirect: Doanh nghiệp có đội tàu lớn nhất Việt Nam có thể chứng kiến lợi nhuận năm nay giảm hơn 40%

Chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container tại Việt Nam, chứng khoán VNDirect cho rằng kinh doanh của CTCP Vận tải & xếp dỡ Hải An (mã: HAH) sẽ lạc quan hơn về cuối năm, tuy nhiên nhiều khả năng vẫn sẽ giảm mạnh so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng kinh doanh có thể phục hồi về cuối năm, nhưng vẫn giảm đáng kể so với năm ngoái

Hoạt động vận tải biển  hồi phục chậm đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, theo phân tích cuối tháng 8 vừa qua, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng triển vọng kinh doanh của HAH sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm, trước khi phục hồi và tăng trưởng nhẹ vào năm 2024. 

 Nguồn: BÁO CÁO CÔNG TY, VNDIRECT RESEARCH

Xét về từng mảng kinh doanh chính của HAH, VNDirect dự phóng doanh thu hoạt động tự vận hành tàu của HAH lần lượt giảm 24% và tăng 39% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024.

Công ty chứng khoán cho rằng sản lượng khai thác tàu của doanh nghiệp sẽ đạt mức 372.000 TEU trong năm 2023, giảm 5% so với cùng kỳ do triển vọng suy yếu trong nửa đầu năm 2023 và bắt đầu khởi sắc trong nửa cuối năm do kỳ vọng phục hồi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hàng hóa nội địa và hoạt động giao thương giữa Trung Quốc với các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục duy trì tích cực trong nửa cuối năm. Bước sang năm 2024 với đội tàu lớn mạnh hơn, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng sản lượng khai thác tàu ở mức 25%, đạt 465.000 TEU.  

Trải qua 6 tháng đầu năm 2023 với giá cước vận tải biển nội địa giảm hơn 20%, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động với mức giá cước thấp khi nguồn cùng tàu vẫn đang neo cao trong giai đoạn tới. Bước sang 2024, VNDirect kỳ vọng giá cước vận tải biển của HAH có thể cải thiện khoảng 11% so với cùng kỳ, đạt trung bình 12.000.000 đồng/40ft khi nhu cầu vận tải hồi phục trở lại.

Về mảng hoạt động cho thuê, trong năm 2023-2024, VNDirect dự phóng doanh thu lần lượt đạt 453 và 520 tỷ đồng, giảm 10% và tăng 15% so với cùng kỳ do kỳ vọng nhu cầu vận tải hàng hóa cải thiện khi bước sang năm 2024. 

Bên cạnh đó, sản lượng khai thác cảng sẽ tiếp tục duy trì phụ trợ hoạt động vận tải. Theo đó, chuyên gia cho rằng hàng hóa thông qua cảng Hải An của doanh nghiệp dự kiến sẽ lần lượt đạt mức 396.000 và 436.000 TEU trong năm 2023-2024 do vai trò phụ trợ cho tình hình hoạt động của đội tàu và kỳ vọng bắt đầu hồi phục từ nửa cuối năm 2023 so với mức nền thấp trước đó. Vì vậy, mặc dù giá dịch vụ xếp dỡ container của HAH đã tăng nhẹ trong năm 2023, tuy nhiên nhiều khả năng mức giá này sẽ không có nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Nhìn chung, VNDirect dự phóng doanh thu thuần HAH trong năm 2023 đạt 2.665 tỷ đồng, lãi ròng 449 tỷ, giảm lần lượt 17% và 43% so với cùng kỳ. Sau đó sẽ hồi phục lên 3.483 tỷ và 516 tỷ đồng trong năm 2024. 

Tiếp tục mạnh tay mở rộng đội tàu

Tính tới cuối năm 2022, đội tàu container của công ty gồm 11 tàu với tổng sức chở đạt gần 16.000 TEU – chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container tại Việt Nam. Việc sở hữu quy mô đội tàu hàng đầu và có độ tuổi trung bình trẻ hơn so với ngành giúp HAH có thể đảm bảo duy trì cung cấp lịch tàu ổn định hàng tuần, có khả năng cân đối nguồn hàng, giảm thiểu chi phí và tránh được bối cảnh dư cung tàu hiện nay. 

Theo kế hoạch trong năm 2023-2024, HAH dự kiến tiếp nhận 4 tàu container mới cỡ 1.800 TEU, nâng tổng sức chở đội tàu lên hơn 23.000 TEU vào cuối năm 2024. Cùng với kế hoạch mở rộng đội tàu, HAH cũng đang mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực nội Á từ cuối năm 2022 với các tuyến điển hình như HP – Khâm Châu hay HP – Nam Sa. Điều này sẽ giúp HAH từng bước nâng cao thị phần vận tải container trong khu vực và quốc tế.

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Dự thảo đề xuất tăng 10% giá dịch vụ xếp dỡ container từ ngày 1/1/2024 tại một số khu vực, bao gồm Hải Phòng, Hồ Chí Minh và Cái Mép Thị Vải. Bên cạnh đó, dự thảo còn đề xuất các bến có khả năng tiếp nhận tàu trên 160.000 DWT có thể áp mức tăng thêm 10% phí dịch vụ xếp dỡ, đồng nghĩa với việc các bến có cơ hội tăng phí bốc xếp lên 20% so với hiện tại nếu được thông qua.

Dự thảo nếu được thông qua có thể trở thành cú hích đối với nhóm cổ phiếu vận tải biển trong bối cảnh tình hình kinh doanh đang gặp nhiều sóng gió. Suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu vận tải biển dẫn đến giá cước chưa thể hồi phục trở lại. Sau khi đạt đỉnh vào quý III/2021, giá cước vận tải container (theo quan sát qua Chỉ số container thế giới của Drewry) đã liên tục giảm mạnh và hiện ở quanh vùng đáy 3 năm, với 1.700 USD/container 40 feet.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật