A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VNDirect khuyến nghị khả quan với cổ phiếu VNM (Vinamilk)

Các chuyên gia của công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng doanh thu của Vinamilk (Mã: VNM) tăng 3,8% so với cùng kỳ, đồng thời duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 85.400đ/cp.

Theo báo cáo quý II/2022, VNM ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 14.930 tỷ đồng và 2.102 tỷ đồng, giảm 5% và 26,6% so với quý I/2021. Lợi nhuận ròng đạt 2.083 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ. 

Đáng chú ý, doanh thu nội địa đạt 12.471 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ nước ngoài đi ngang, chủ yếu nhờ đóng góp từ các công ty con tại nước ngoài (Driftwood và Angkormilk). Biên lợi nhuận gộp ghi nhận mức giảm 2,9 điểm phần trăm do chi phí bột sữa nguyên liệu tăng cao. 

Doanh thu và lợi nhuận ròng của VNM đều giảm trong quý II/2022

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của VNM giảm 0,3% so với cùng kỳ, xuống còn 28.808 tỷ đồng, lợi nhuận ròng cũng giảm 19,6% xuống 4.386 tỷ đồng.

Theo ước tính của VNDirect, VNM sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt tăng trưởng 6,3%/6,5% và 3,6%/7,6% so với cùng kỳ trong năm 2022 - 2023. Các chuyên gia cũng kỳ vọng doanh thu nội địa sẽ tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ nhờ những nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động khuyến mại và tái cấu trúc các kênh phân phối. Ban lãnh đạo cho biết, VNM đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ vào tháng 7/2022. 

 Doanh thu nội địa của VNM từ quý I/2021 đến quý II/2022

Bên cạnh đó, giá bột sữa nguyên kem đang hạ nhiệt từ mức đỉnh vào tháng 3/2022 sẽ giúp giảm áp lực về chi phí lên biên lợi nhuận gộp vào nửa cuối năm. Do đó, VNDirect kỳ vọng doanh thu 2022 của VNM tăng 5,0% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận ròng giảm 12,6%.

 Biên lợi nhuận gộp của VNM và giá bột sữa nguyên kem từ quý I/2021 đến quý II/2022 

Theo dự báo của VNDirect, giá cổ phiếu VNM sẽ tiếp tục chịu áp lực khi giá sữa bột nguyên liệu vẫn còn cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng VNM vẫn phù hợp để nắm giữ trong dài hạn nhờ kết quả kinh doanh ổn định, bảng cân đối tài chính lành mạnh và tỷ suất cổ tức ổn định. Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa sẽ tăng 6% so với cùng kỳ trong 2022. Nhờ đó, VNM với vị thế dẫn đầu ngành sữa sẽ tăng trưởng trên sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch.

Nhằm nắm bắt tiềm năng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam, VNM đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sữa tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng và tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 400 triệu lít/năm. Đây sẽ là nhà máy sữa lớn nhất miền Bắc của VNM và được định hướng trở thành một siêu nhà máy sữa quy mô lớn tại Việt Nam. Dự án được chia thành 2 giai đoạn và hiện đã được tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024 và sẽ đóng góp khoảng 15-20% vào doanh thu của VNM (VNDirect ước tính dựa trên công suất của Nhà máy Sữa Việt Nam là 800 triệu lít/năm). Chuyên gia tin rằng nhà máy mới cũng sẽ giúp VNM củng cố vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam với hơn 13 nhà máy sữa trên cả nước, trong đó có 2 nhà máy lớn 1) Nhà máy Sữa Việt Nam (sản xuất sữa nước, công suất 800 triệu lít/năm), và 2) Nhà máy Sữa bột Việt Nam (sản xuất sữa bột, công suất gần 54.000 tấn/năm).

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật