7 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu tỷ USD trong nửa đầu năm 2023
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính "góp công" lớn nhất khi mang về gần 13 tỷ USD, lâm sản 6,5 tỷ USD,...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%.
Đóng góp vào kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2% trong tổng kim ngạch của ngành, nhưng giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng ấn tượng
Trong tháng 6, xuất khẩu gạo đem về 300 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu gạo được 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (489 USD/tấn). Đây cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ xuất khẩu cao nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trong nửa đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%; tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc nhập khẩu gạo từ Việt Nam cũng tăng 93,2% về lượng và 116% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức bằng và cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, ngày 23/6 gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.
Gạo 25% tấm của Việt Nam tại thời điểm 23/6 cũng tăng 5 USD tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Xuất khẩu rau quả, điều và cà phê "bùng nổ"
Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu thời gian qua.
Theo thống kê, xuất khẩu rau quả tháng 6 ước tính đem về gần 1 tỷ USD, tăng 2,7 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 3 tỷ USD, gần bằng con số 3,16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong nửa đầu tháng 6 còn vượt thủy sản để trở thành nhóm hàng xuất khẩu giá trị lớn nhất của lĩnh vực nông, thủy sản.
Theo các doanh nghiệp, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên hàng Việt được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện Việt Nam đang đề nghị phía Trung Quốc mở cửa cho các mặt hàng rau quả khác như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa…, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Đối với sản phẩm rau quả chế biến, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 550 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là phân khúc hàng hóa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến.
Hạt điều trong nửa đầu năm 2023 cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,7% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong quý II/2023 ước đạt mức 5.805 USD/tấn, giảm 2,3% so quý I và giảm 5% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt 5.850 USD/tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, 3 loại này có tỷ trọng chiếm 62,3% tổng lượng và 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều các loại. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Trong 6 tháng, cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3% so với nửa đầu năm 2022.
Với các nông sản khác, giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đều có sự giảm nhẹ như: Cao su 1,05 tỷ USD; Tôm 1,56 tỷ USD; Sản phẩm gỗ 4,07 tỷ USD…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ giải quyết được vấn đề suy giảm kim ngạch, hướng đến III quý đạt tăng trưởng 0%. Để từ đó, quý IV sẽ tăng trưởng dương, và cả năm sẽ đạt con số 55 tỷ USD, tăng trưởng 3,4% so với năm 2022.
"Trong quý III tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ tổ chức họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Lệnh 248 và 249 và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu; tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam…"
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Đối với ngành hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng chỉ đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm chủ lực đều giảm sâu.
Mặt hàng tôm có kim ngạch xuất khẩu 1,56 tỷ USD, giảm 32% so với con số 2,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu tháng 6 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm, dẫn đến kim ngạch 6 tháng đầu năm 2023 giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 840 triệu USD.
Theo Bộ, sản xuất và xuất khẩu cá tra đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), những yếu tố như hàng tồn kho giảm, nhu cầu tăng cho dịp lễ cuối năm, sự cạnh tranh đỡ khốc liệt do sản lượng thuỷ sản tại Ấn Độ giảm sút,... sẽ là những yếu tố để kỳ vọng thuỷ sản có thể dần phục hồi trong những tháng cuối năm.
Với mặt hàng rau quả, trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới, do sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng. Trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).